Cuộc chạy đua tìm cách chống lại biến chủng Omicron

Hàn Quốc, Ấn Độ cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng.

hỉ vài ngày sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, biến chủng Omicron đã lan nhanh và xuất hiện tại hàng chục quốc gia. Điều này khiến nhiều nước phải thắt chặt quy định chống dịch.

Ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 11, nỗi sợ biến chủng Omicron đang lan rộng tại châu Âu khi nhiều nước trên thế giới siết chặt biện pháp phòng dịch, hạn chế đi lại.

Tại sân bay Johannesburg, Nam Phi, du khách lo lắng, xếp hàng chật kín, chen chúc trên những chuyến bay cuối cùng được phép rời khỏi quốc gia này. Biến chủng mới được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, song, giờ đây, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã phát hiện ca nhiễm Omicron.

Biến chủng mới lan nhanh

Theo Reuters, Anh xác nhận có hai ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên và các ca nghi ngờ cũng đã xuất hiện ở Đức, Cộng hòa Czech. Cả hai ca nhiễm của Anh đều có tiền sử du lịch tại miền Nam châu Phi. Chính phủ Anh nâng mức cảnh báo, hạn chế đilại trong khu vực này.

Trong khi đó, chính quyền Hà Lan đã cách ly 61 hành khách trở về từ Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Những người này được sàng lọc từ 600 hành khách nhập cảnh sân bay Schiphol từ Nam Phi ngày 27/11. Tất cả đều đã được cách ly tại khách sạn.

Cơ quan Y tế của Hà Lan cho biết họ đang xác định số ca mắc Covid-19 vừa phát hiện có liên quan biến chủng mới hay không.

Omicron đã lọt vào châu Âu và Hong Kong hay Israel vào ngày 27/11. Cùng thời điểm, giới chức Bỉ cho biết họ đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến chủng này. Bệnh nhân chưa được tiêm vaccine Covid-19, trở về từ nước ngoài.

Trên Twitter, ngày 27/11, Bộ trưởng các vấn đề xã hội ở bang Hesse, Đức, xác nhận họ đã có ca bệnh đầu tiên nhiễm chủng Omicron và người này đã được tiêm phòng đầy đủ hai liều.

Tại Italy, Viện Y tế Quốc gia cho biết một trường hợp nhiễm biến chủng mới đã được phát hiện ở Milan, người này đến từ Mozambique.

Trong khi đó, hàng loạt quốc gia khác trên thế giới ngừng nhập cảnh cho hành khách đi/về từ Nam Phi do lo ngại biến chủng mới. Ngoài ra, chính sách cấm nhập cảnh còn áp dụng cho hàng loạt quốc gia của châu Phi như Botswana, Eswatini (Swaziland), Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe.

Tại châu Á, các quốc gia có động thái mới nhất là Hàn Quốc, Thái Lan, Maylaysia, Singapore, Philippines… Theo ông Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, nước này đã dừng tiếp nhận đăng ký nhập cảnh từ ngày 28/11.

Malaysia cũng siết đi lại với một số nước châu Phi từ hôm nay. Người nước ngoài có tiền sử đi qua 7 nước Nam Phi, Botswana, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe trong vòng 14 ngày đều không được nhập cảnh. Người dân cũng không được xuất cảnh tới các quốc gia trên.

Ngày 26/11, Philippines và Singapore cũng thông báo hạn chế đi lại với 7 nước châu Phi nói trên. Lệnh cấm của Singapore áp dụng từ ngày 27/11, còn ở Philippines, thời gian hiệu lực là từ 26/11 đến 15/12.

Hàn Quốc, Ấn Độ cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng.

Mỹ, Australia, Bỉ, Mỹ, Brazil, Canada và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ 8 quốc gia châu Phi.

Tổ chức Thương mại Thế giới cũng phải đình chỉ hội nghị cấp cao lớn nhất trong 4 năm vào phút chót do lo ngại biến chủng mới.

Ráo riết tìm cách chỉnh sửa công thức vaccine

Cùng với lệnh hạn chế từ các nước trên toàn cầu, giới khoa học lúc này chạy đua để xác định mối nguy từ biến chủng mới. Họ đang đánh giá liệu Omicron có thực sự né tránh được vaccine Covid-19 hiện tại hay không.

Ngày 28/11, theo RT, nhóm chuyên gia từ bệnh viện Bambino Gesu, Italy, công bố bảng so sánh cho thấy vị trí các đột biến trên biến chủng Omicron so với Delta. Dựa trên điều này, họ nhận định virus đã biến đổi để thích nghi tốt hơn với cơ thể con người.

Trong khi đó, các hãng sản xuất vaccine Covid-19 cũng tìm cách chỉnh sửa công thức cho phù hợp với tình hình hiện tại. Pfizer-BioNTech là hãng dược đầu tiên có động thái mới.

Các nhà khoa học của hãng đang xem xét hiệu quả của vaccine trước biến chủng Omicron. Quá trình nghiên cứu này mất chậm nhất là hai tuần và Pfizer (NYSE:PFE) cho biết họ sẽ điều chỉnh cho phù hợp với biến chủng mới nếu cần thiết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận hiện còn quá sớm để kết luận độc lực của biến chủng Omicron có cao hơn các biến chủng khác hay không.

Trong khi đó, Moderna (NASDAQ:MRNA) cũng khẳng định sẽ phát triển liều tăng cường chống lại biến chủng Omicron. Đại diện Moderna cho biết đây là một trong ba chến lược mà công ty đang thực hiện để giải quyết mối đe dọa mới, bao gồm tăng liều lượng vaccine hiện có.

“Chúng tôi đang làm việc nhanh nhất có thể để hiện thực hóa chiến lược của mình trong việc giải quyết các biến chủng mới”, Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel cho biết.

Hãng dược cũng cho biết liều tăng cường đang nghiên cứu cũng sẽ có tác dụng với cả biến chủng đáng quan ngại khác như Delta và Beta. Chúng nhiều lần được chứng minh có hiệu quả với các biến chủng mới trong thử nghiệm lâm sàng 60-90 ngày.

Hãng Johnson & Johnson đã xác nhận thử nghiệm vaccine của họ có hiệu quả với biến chủng mới. Với AstraZeneca, nhóm chuyên gia đang nghiên cứu ở Botswana và Eswatini – nơi biến chủng mới được xác định – để thu thập dữ liệu thực tế về cách vaccine hoạt động.

Covovax – vaccine Covid-19 mới nhất được các nước phê duyệt – cũng không nằm ngoài cuộc đua chống biến chủng mới. Theo Reuters, ngày 26/11, hãng dược Novavax của Mỹ tuyên bố họ đang phát triển protein gai dựa trên chính trình tự gene đã biết của biến chủng B.1.1.529. Dự kiến, quá trình này có thể mất vài tuần.

Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) khá thận trọng khi cho biết còn “quá sớm” để lên kế hoạch điều chỉnh vaccine chống biến chủng Omicron.

Ngày 25/11, giới chuyên gia Nam Phi phát hiện biến chủng mới là B.1.1.529 ở Botswana với hơn 32 đột biến được phát hiện tại protein gai (S). Đặc biệt, 15 đột biến tại vùng gắn kết thụ thể (RBD) và vị trí furin, nơi có thể làm tăng khả năng lây lan.Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến chủng này là Omicron và liệt nó vào danh sách “biến chủng đáng lo ngại”. Đây là biến chủng được coi là rất nguy hiểm vì khả năng lây lan có thể hơn 5 lần Delta. Trước đó, biến chủng Delta đã khiến hàng loạt quốc gia quay trở lại với ác mộng Covid-19 sau khi tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm