Khám phá Mặt Trăng bền vững
Trong tuần này, lần đầu tiên Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị về các hoạt động khám phá Mặt Trăng bền vững, trong bối cảnh Mặt Trăng đang dần trở thành “vùng đất mới” để cạnh tranh giữa các quốc gia.
Người đứng đầu các cơ quan vũ trụ, các phi hành gia, các học giả và đại diện ngành công nghiệp này đã tham gia thảo luận các cách tiếp cận, ưu tiên và kỳ vọng về hoạt động khám phá Mặt Trăng một cách hòa bình, bền vững và hợp tác.
(Ảnh: NASA)
Hội nghị đã chứng kiến các nước ký kết tham gia Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế do Nga và Trung Quốc khởi xướng. Các bên cũng đưa ra các sáng kiến khác nhau giải quyết các khía cạnh của hoạt động trên Mặt Trăng, như Nhóm công tác về các khía cạnh pháp lý của tài nguyên không gian hay thành lập Nhóm hành động về tư vấn hoạt động Mặt Trăng.
Mặt Trăng – Tâm điểm của cuộc đua chinh phục không gian
Không chỉ các quốc gia, các công ty tư nhân giờ cũng có năng lực công nghệ để tham gia cuộc đua lên Mặt Trăng. Điều này sẽ khiến cuộc đua Mặt Trăng trở nên phức tạp và khó quản lý.
Đầu tháng 6 này, tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng. Đây là một bước tiến lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại sẽ thu thập mẫu vật từ địa hình hiếm khi được khám phá này, đồng thời cũng là nơi con người chưa từng đặt chân đến. Tầm nhìn của Trung Quốc là đưa phi hành đoàn đến Mặt Trăng năm 2030 và xây dựng căn cứ tại đó.
(Ảnh: NASA)
Ông Sylvestre Maurice (Viện nghiên cứu Vật lý thiên văn và Hành tinh học, Pháp) cho rằng: “Thật khó để hạ cánh xuống một vị trí như thế trên Mặt Trăng. Họ đã hạ cánh đúng nơi họ muốn. Hãy nhớ rằng, nó ở phía bên kia, nơi không phải là Mặt Trăng mà chúng ta có thể nhìn thấy. Đó thực sự là một thành tựu, điều mà chúng ta đã tìm kiếm trong nhiều năm”.
Tháng 1 năm nay, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5, sau Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng với kỹ thuật hạ cánh mềm chính xác.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA hy vọng sẽ khởi động sứ mệnh đưa robot tự hành lên Mặt Trăng, từ đó mở đường cho việc đưa con người trở lại vệ tinh này vào năm 2026.
Nga hiện đang phát triển một số sứ mệnh Mặt Trăng, bao gồm cả những sứ mệnh có phi hành đoàn và không có phi hành đoàn. Nước này dự định đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2030. Còn Ấn Độ sau khi hạ cánh thành công lên bề mặt Mặt Trăng vào tháng 8/2023 cũng đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên đó vào năm 2030.
Không chỉ là các cường quốc, tiến bộ công nghệ đã làm giảm chi phí của các nhiệm vụ không gian, mở đường cho những người chơi mới trong khu vực công và tư nhân khoảng vài năm gần đây như SpaceX, Blue Origin hay Virgin Galactic. Cuộc đua lên Mặt Trăng là một trong những khát vọng lớn lao của nhân loại và là một cuộc đua ngốn nhiều tiền của.