Dầu có tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần bất chấp mức giảm trong phiên

Dầu có tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần bất chấp mức giảm trong phiên

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm 1.5% trong phiên biến động ngày thứ Sáu (02/12), trước khi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các động minh (OPEC+) diễn ra vào ngày Chủ nhật (04/12) và lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga có hiệu lực vào ngày thứ Hai (05/12).

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 1.31 USD (tương đương 1.5%) xuống 85.57 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 1.24 USD (tương đương 1.5%) còn 79.98 USD/thùng.

Tuy nhiên, hợp đồng dầu Brent và dầu WTI lần lượt tăng 2.5% và 5% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp.

OPEC+ được cho là sẽ duy trì mục tiêu mới nhất là cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày khi nhóm họp vào ngày Chủ nhật, tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích tin rằng giá dầu thô có thể giảm nếu nhóm này không cắt giảm thêm.

Chuyên gia phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định: “Dầu thô mang nhiều rủi ro hơn vào cuối tuần và có thể cực kỳ biến động khi mở phiên vào tuần tới”.

Các nguồn tin cho biết, sản lượng dầu Nga có thể giảm 500,000 đến 1 triệu/thùng vào đầu năm 2023 do lệnh cấm nhập khẩu bằng đường biển của EU từ ngày 05/12.

Đại sứ Ba Lan tại EU, Andrzej Sados, cho biết Ba Lan đã đồng ý với thoả thuận của EU về mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, cho phép khối này xúc tiến việc chính thức phê duyệt thoả thuận vào cuối tuần qua.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mức trần giá dầu Nga sẽ được điều chỉnh theo thời gian để liên minh có thể phản ứng với những diễn biến của thị trường.

Dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức 70 USD/thùng vào chiều ngày thứ Năm (01/12). Mức trần giá này được thiết lập để hạn chế doanh thu cho Nga trong khi không dẫn đến sự gia tăng đột biến giá dầu.

Mang đến những tín hiệu lạc quan, Trung Quốc chuẩn bị công bố nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong vài ngày tới, các nguồn tin nói với Reuters, đây sẽ là sự thay đổi lớn trong chính sách ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, mặc dù các chuyên gia phân tích cảnh báo việc mở cửa trở lại nền kinh tế đáng kể có thể mất đến vài tháng nữa.

Số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ, một chỉ báo về sản lượng dầu trong tương lai, không thay đổi trong tuần này, theo dữ liệu từ Baker Hughes. Những lo ngại cũng gia tăng rằng dầu đá phiến của Mỹ có thể không còn có thể thúc đẩy sản xuất trong thời gian ngắn.

Dữ liệu của Chính phủ cũng cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm nhiều việc làm hơn dự báo trong tháng 11, trong khi mức thu nhập bình quân mỗi giờ cũng tăng, có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm động lực để nâng lãi suất.

An Trần (Theo CNBC)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm