Đồng Yên và thị trường mới nổi: Những điểm nóng cần theo dõi khi Fed giảm lãi suất

Ấn Độ - Điểm tựa vững chắc của thị trường mới nổi

Làn sóng biến động toàn cầu có thể ập đến một lần nữa khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ. Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này có thể châm ngòi cho đà tăng của đồng Yên và từ đó có thể khơi gợi lại ký ức về cơn bão tài chính hồi tháng 8.

Nhìn lại tháng trước, đà tăng mạnh của đồng Yên, được thúc đẩy bởi động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), đã giáng một đòn mạnh vào các giao dịch carry trade đồng Yên. Hệ quả là chỉ số Nikkei 225 chứng kiến đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Cùng với đó, số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự báo đã đẩy chỉ số VIX (HM:VIX) – thước đo mức độ biến động trên Phố Wall – lên cao, khiến cổ phiếu công nghệ Mỹ trải qua khởi đầu tháng tệ nhất kể từ năm 2008.

Lần này, bối cảnh có nhiều điểm tương đồng. Giới đầu tư đang chia rẽ trong dự đoán về mức độ cắt giảm của Fed: liệu họ sẽ khởi động chiến dịch nới lỏng với mức chuẩn 25 điểm cơ bản hay một con số lớn hơn? Một động thái mạnh tay với 50 điểm cơ bản có thể châm ngòi cho những nghi ngại về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, kích hoạt làn sóng bán tháo tài sản ở các thị trường mới nổi châu Á. Nó cũng có thể đẩy đồng Yên lên cao, thúc đẩy các nhà đầu tư tháo gỡ vị thế carry trade của họ ở các tài sản rủi ro được tài trợ bằng đồng Yên.

Ngược lại, một đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản có thể mang lại lợi thế cho thị trường cổ phiếu, trong đó các thị trường nhỏ hơn ở Đông Nam Á có khả năng là những người hưởng lợi chính.

Dưới đây là một số điểm nóng cần theo dõi nếu Fed hạ lãi suất.

Đồng Yên Nhật – Điểm nóng cần theo dõi sát sao

Số phận của đồng Yên đang gắn chặt với kỳ vọng về động thái cắt giảm lãi suất của Fed. Đồng tiền này đã vượt ngưỡng 140 yên đổi 1 USD vào ngày 16/09, chạm mức đỉnh trong năm 2024 khi thị trường xôn xao với đồn đoán về khả năng Fed hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản.

Viễn cảnh này khiến giới đầu tư Nhật Bản không khỏi lo ngại. Một đợt cắt giảm mạnh tay từ Fed có thể đẩy đồng Yên lên cao, gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Ký ức về cơn địa chấn thị trường hồi tháng 8 vẫn còn âm ỉ trong tâm trí các nhà giao dịch, quỹ đầu cơ và tổ chức tài chính. Khi đó, động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã kích hoạt đà tăng mạnh của đồng Yên, làm dấy lên nỗi lo về các giao dịch carry trade và châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên thị trường toàn cầu.

Sau quyết định của Fed, ánh mắt các nhà đầu tư sẽ đổ dồn về phía Tokyo, nơi BOJ sẽ có cuộc họp quan trọng vào ngày 20/09. Dù đa số chuyên gia kinh tế dự đoán BOJ sẽ giữ nguyên chính sách, song giới đầu tư vẫn sẽ săn lùng mọi tín hiệu gợi ý về khả năng một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 12.

Thị trường nhỏ lên ngôi

Trong khi các “ông lớn” còn đang chật vật, các thị trường nhỏ hơn ở Đông Nam Á lại nổi lên như những ngôi sao sáng trong mắt các nhà quản lý quỹ. Khi Fed bắt đầu xoay trục chính sách tiền tệ, 4 trong số 5 chỉ số cổ phiếu dẫn đầu châu Á tháng này đến từ khu vực Đông Nam Á, với Thái Lan đứng đầu bảng.

Hai tháng qua chứng kiến làn sóng các nhà quản lý quỹ đổ xô vào trái phiếu Chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Họ cũng trở thành bên mua ròng cổ phiếu Indonesia, Malaysia và Philippines trong ba tháng liên tiếp. Dòng vốn này đã giúp các đồng tiền Đông Nam Á vươn lên dẫn đầu nhóm thị trường mới nổi về hiệu suất trong quý này.

Ấn Độ – Điểm tựa vững chắc của thị trường mới nổi

Triển vọng lãi suất thấp hơn tại Mỹ có thể tạo đà cho Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) hạ lãi suất. Kỳ vọng này đã thu hút vốn ngoại đổ vào thị trường xứ sở cà ri, đẩy các chỉ số cổ phiếu chủ chốt lên đỉnh cao kỷ lục vào ngày 17/09.

“Động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ có lợi cho định giá và có thể kích hoạt chu kỳ hạ lãi suất tại chính Ấn Độ, dù có độ trễ nhất định”, Sumeet Rohra, nhà quản lý quỹ tại Smartsun Capital Pte. ở Singapore nhận định. Ông nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Ấn Độ sẽ là nam châm hút vốn mạnh mẽ.

Trọng số của Ấn Độ trong rổ chỉ số thị trường mới nổi cũng có khả năng tăng lên sau khi Fed hạ lãi suất. Quốc gia này – vốn được ví như “Trung Quốc tiếp theo” – đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá trong mắt các nhà đầu tư, nhờ vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu đang bùng nổ và ngành sản xuất đang trên đà phát triển.

Trung Quốc – Bức tranh còn nhiều màu xám

Đồng Nhân dân tệ có thể tăng giá nếu Fed cắt giảm lãi suất, thu hẹp khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang trong tâm thế dè chừng, chờ đợi xem liệu những con số kinh tế ảm đạm trong cuối tuần qua có thúc đẩy chính quyền tung ra các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn hay không. Chỉ số CSI 300 đã chạm đáy kể từ năm 2019 vào tuần trước, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Mặc dù việc Fed hạ lãi suất có thể tạo thêm dư địa cho Trung Quốc nới lỏng chính sách mà không lo ngại về tỷ giá, nhưng “với hàng loạt thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt – từ sự yếu kém kinh tế trong nước đến áp lực thuế quan bên ngoài – một chu kỳ cắt giảm lãi suất có thể không mang lại hiệu quả như trước đây”, Vey-Sern Ling, Giám đốc điều hành tại Union Bancaire Privee nhận định

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm