Đầu ngày 3/9 giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đang đứng mức 1.809 – 1.810 USD/ounce, giảm nhẹ 0,4 USD mỗi ounce. Trong 24 giờ giao dịch trước đó, giá vàng thế giới ghi nhận mức thấp nhất tại 1.804 USD/ounce và cao nhất là 1.818 USD/ounce.
Theo giới phân tích, giá vàng ít biến động do nhà đầu tư đang chờ dữ liệu lao động tháng 8 của Mỹ từ bảng lương phi nông nghiệp. Số liệu đó có thể ảnh hưởng đến quyết định giảm thu mua tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, ông Edward Moya, nhận định vàng sẽ tiếp tục củng cố cho đến khi có báo cáo thị trường lao động. Dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ có thể thúc đẩy đồng USD và từ đó gây áp lực lên giá vàng.
Hiện giá vàng dao động gần đỉnh tháng 7 là 1.833 USD/ounce và dữ liệu việc làm sẽ là yếu tố quan trọng đối với giá kim loại quý này. Trường hợp vàng có thể bứt phá lên trên mốc 1.833 USD/oune thì sẽ trở lại kênh tăng giá.
Trong khi đó, Giám đốc Nghiên cứu của Wisdom Tree, ông Nitesh Shah cho rằng nhìn vào đồng USD, lãi suất và lạm phát, giá vàng nên giao dịch quanh mức 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, kế hoạch giảm mua trái phiếu của FED vào cuối năm và khả năng tăng lãi suất vào cuối 2022 có thể hạn chế giá vàng trong tương lai.
Ông Shah dự báo, giá vàng sẽ tăng lên 1.970 USD/ounce vào quý IV/2021 và sau đó chững và giảm trở lại mức 1.860 USD vào quý II/2022.
“Vàng đang đối mặt với một số khó khăn, nhưng kim loại quý này đang được định giá quá thấp và có nguy cơ thị trường sẽ chứng kiến một đợt điều chỉnh tăng. Một trong những lý do khiến vàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lực kéo là các nhà đầu tư tin lạm phát sẽ chỉ là tạm thời – theo quan điểm của FED”, ông Shah cho hay.
Ở thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch 1/9, Doji niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức 56,50 – 57,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,70 – 57,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).