quan tâm của các tỉ phú ngành tài chính dành cho ngành công nghiệp tiền mã hóa ngày càng lớn khi họ có xu hướng xem bitcoin và những đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn khác là tài sản chống lạm phát bất chấp mức biến động giá rất lớn của chúng.
Tỉ phú Thomas Peterffy, Chủ tịch Công ty môi giới Interactive Brokers, đã mua vào các đồng tiền mã hóa để đề phòng tiền mặt mất giá nghiêm trọng. Ảnh: cryptoknowmics |
Đầu tư tiền mã hóa để đề phòng tiền mặt mất giá
Năm 2017, Chủ tịch Công ty môi giới Interactive Brokers, Thomas Peterffy đăng quảng cáo toàn trang trên tờ Wall Street Journal để cảnh báo về những rủi ro mà các hợp đồng tương lai bitcoin gây ra cho thị trường vốn. Hiện nay, vị tỉ phú người Mỹ gốc Hungary với tài sản khoảng 25 tỉ đô la này là một chuyên gia về tiền mã hóa. Peterffy khuyên giới đầu tư phân bổ 2-3% tài sản cá nhân vào các đồng tiền mã hóa đề phòng trường hợp các đồng tiền pháp định bị mất giá nghiêm trọng.
Peterffy đang nắm giữ một số đồng tiền mã hóa, trong khi công ty ông gần đây đã cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao dịch bitcoin, ethereum, litecoin và bitcoin cash, sau khi nhận thấy họ đang có nhu cầu lớn.
Nhà tỉ phú 77 tuổi này cho biết, Interactive Brokers sẽ cho phép khách hàng giao dịch thêm từ 5-10 đồng tiền mã hóa nữa bắt đầu từ tháng này. Ông cho rằng tiền mã hóa có thể mang lại lợi nhuận phi thường, ngay cả khi điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Ông nói: “Tôi nghĩ giá trị tiền mã hóa có thể về zero nhưng cũng cho rằng nó có thể lên tới một triệu đô la”.
Trường hợp của Thomas Peterffy cho thấy thái độ đang thay đổi đối với tiền mã hóa của những nhà đầu tư tỉ phú từng coi thường hoặc cảnh giác với các đồng tiền số nhưng trong năm qua nhận ra rằng họ không thể bỏ lỡ tiềm năng kiếm được lợi nhuận lớn.
Ngay cả khi giá cả trên thị trường tiền mã hóa biến động dữ dội, các nhà đầu tư lớn nhỏ vẫn hăng hái mua bán bitcoin và ethereum cũng như các mã thông báo không thể thay thế (NFT) dựa trên công nghệ blockchain, tiền mã hóa theo chủ đề chó đứng đầu là shiba inu và dogecoin cũng như các đồng mã hóa rác khác (shitcoins).
Chỉ vài tháng sau khi đưa ra quan điểm hoài nghi về khả năng bảo tồn giá trị tài sản của tiền mã hóa, tỉ phú Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, Bridgewater Associates, gần đây tiết lộ ông đang nắm giữ một số đồng bitcoin và ethereum trong danh sách mục đầu tư.
Ông xem đây là các khoản đầu tư vào các đồng tiền thay thế trong một thế giới tiền mặt ngày càng mất giá trị vì lạm phát đang làm xói mòn sức mua của chúng. Ông nói: “Tiền mặt không còn là khoản đầu tư an toàn vì nó đang bị ‘đánh thuế’ bởi lạm phát”.
Tỉ phú Paul Tudor Jones, nhà sáng lập Công ty đầu tư Tudor Investment Corporation, nói ông thích tiền mã hóa hơn vàng ở phương diện phòng thủ lạm phát. Ông cho biết tỷ trọng các đồng tiền mã hóa trong danh mục đầu tư của ông đang ở mức hai con số.
Cuộc khảo gần đây do Ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS) thực hiện với hơn 150 công ty quản lý tài sản của các gia đình siêu giàu trên thế giới mà ngân hàng này đang có mối quan hệ kinh doanh, cho thấy 45% trong số họ muốn bổ sung tiền mã hóa vào danh mục đầu tư để giúp phòng thủ trước tình hình lạm phát tăng nhanh.
Trở thành xu hướng đầu tư tài chính chính thống
Đầu tư tiền mã hóa ngày càng trở thành xu hướng đầu tư tài chính chính thống. Hồi tháng 10 năm ngoái, chỉ trong vòng 2 ngày sau khi ra mắt, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hợp đồng tương lai bitcoin đầu tiên ở Mỹ của Công ty ProShares đã thu hút hơn 1 tỉ đô la đầu tư.
Nhưng sau đó, dòng tiền đổ vào và giá chứng chỉ quỹ này giảm mạnh kể. Giới đầu tư tiền mã hóa đang hy vọng các cơ quan quản lý ở Mỹ sẽ duyệt một quỹ ETF thực sự nắm giữ bitcoin vào năm 2022.
Hồi tháng 4-2022, Công ty Coinbase (NASDAQ:COIN) Global, sở hữu sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Mỹ, đã niêm yết cổ phiếu và giờ đây có mức vốn hóa thị trường 54 tỉ đô la. Theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg, giá trị tài sản của người sáng lập Coinbase Global , Brian Armstrong đang ở mức 9,7 tỉ đô la.
Công nghệ blochain đứng đằng sau tiền mã hóa cũng đang lấn vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hồi đầu năm nay, tác phẩm “Everydays – The First 5000 Days”, bức tranh dưới dạng NFT của họa sĩ Mike Winkelmann, đã bán được với giá kỷ lục 69,3 triệu đô la thông qua hãng bán đấu giá Christie’s.
Nữ ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ Katy Perry, và Grimes, nữ nhạc sĩ người Canada, cũng như công ty đứng sau ban nhạc nam Hàn Quốc, BTS đều đang tìm cách kiếm lợi nhuận từ ngành công nghiệp NFT.
Hồi tháng 12, Katy Perry đã hợp tác với Công ty blockchain Theta Labs để bán 2.500 tác phẩm NFT về những hình ảnh liên quan đến cô với giá 100 đô la cho mỗi tác phẩm. Với những người hâm mộ, việc chi 100 đô la để sở hữu một NFT của thần tượng không phải là điều bất hợp lý. Hơn nữa, việc sở hữu NFT này cho phép họ tiếp cận các vị trí VIP hay được nhận các đặc quyền khác ở một số sự kiện âm nhạc của Katy Perry trong tương lai.
Tổng thống Nayib Bukele của El Salvador, một quốc gia Nam Mỹ, thậm chí đã hợp pháp hóa bitcoin và chính phủ của ông liên tục mua vào đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thế giới này.
Các chiến dịch quảng bá tiền mã hóa sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Nhà thi đấu thể thao nổi tiếng Staples Center ở Los Angeles, Mỹ giờ đây được đổi tên là Crypto.com Arena sau khi sàn giao dịch tiền mã hóa Crypto.com (Singapore) ký hợp đồng trị giá 700 triệu đô la để sở hữu quyền đặt của nhà thi đấu này trong 20 năm với Công ty AEG, chủ sở hữu Staples Center hồi tháng 11 năm ngoái.
Crypto.com và sàn giao dịch tiền mã hóa FTX cũng đã mua quảng cáo tại sự kiện siêu cúp bóng bầu dục Mỹ (Super Bowl), trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia Mỹ diễn ra vào tháng 2 năm nay. Giá chạy quảng cáo tại sự kiện này có thể lên đến 6,5 triệu đô la.
Trong năm 2021, giá bitcoin tăng 60% nhưng giảm đến 19% trong tháng cuối năm. Hiện đồng tiền mã hóa này vẫn đang trong xu thế giảm giá và giao dịch ở quanh mức 47.000 đô la. Tuy nhiên, Michael Novogratz, Giám đốc điều hành Công ty quản lý đầu tư Galaxy Digital, dự đoán bitcoin sẽ không giảm xuống dưới mức đáy gần đây, 42.000 đô la vì rất nhiều tiền đang đổ vào ngành tiền mã hóa.