Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần khi một loạt cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,11% xuống còn 5.118 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tụt 0,41% và đóng cửa với 16.019 điểm khi cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn. Cả hai chỉ số này đều vừa có phiên giao dịch tiêu cực thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, Dow Jones đi ngược xu hướng và tăng 47 điểm, tương đương 0,12% lên 38.770 điểm.
Cổ phiếu Super Micro Computer mất hơn 5% trong khi nhà sản xuất bán dẫn Nvidia tụt 2%. Cả hai đều chịu ảnh hưởng lớn khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi rằng liệu các cái tên gắn liền với trí tuệ nhân tạo (AI) còn nhiều dư địa để tăng giá hay không.
Cổ phiếu Meta (Facebook) cũng gặp khó khăn khi giảm 4,4%. Ngoài lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu của công ty dược phẩm Eli Lilly cũng tụt hơn 3%.
Thị trường đang chuẩn bị cho báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2, dự kiến công bố vào ngày 12/3. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo CPI sẽ tăng 0,4% so với tháng liền trước và 3,1% so với cùng kỳ. Không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi sẽ tăng 0,3% trong tháng và 3,7% so với năm trước.
Cuối tuần, sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ chuyển sang chỉ số giá sản xuất (PPI). Hai dữ liệu này nằm trong số những báo cáo kinh tế quan trọng cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách tháng 3.
Bà Lara Rhame, nhà kinh tế trưởng của FS Investments tại thị trường Mỹ, nhận định: “Có lẽ nhà đầu tư đang quá lạc quan về khả năng Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay trong năm 2024. Tôi nghĩ dữ liệu lạm phát tháng 2 sẽ là một lời nhắc nhở rằng Fed cần phải thận trọng”.
UBS cũng dự báo một đợt điều chỉnh có thể sắp xảy ra. Giám đốc văn phòng đầu tư của ngân hàng này nhận định: “Thị trường có vẻ dễ thoái lui hơn, mặc dù chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư không nên đánh mất bức tranh toàn cảnh”.
UBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ thái độ trung lập đối với chứng khoán Mỹ, đồng thời lưu ý rằng đầu tư dài hạn là chiến lược hợp lý vì “thị trường vẫn còn nhiều động lực tích cực”.
UBS cũng cho biết tăng trưởng kinh tế lành mạnh và lạm phát thấp là hai lý do khiến thị trường chứng khoán có kết quả tốt như vậy. Lý do thứ ba là AI, nhóm nghiên cứu cho rằng công nghệ này đã tạo ra “mảnh đất màu mỡ cho rủi ro khi biến động”.