ịch sử cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ thường có một đợt tăng điểm vào cuối năm (Santa Claus rally). Nhưng nhà đầu tư ở Phố Wall đang lo rằng họ sẽ không nhận được “món quà Giáng sinh” đó trong năm nay…
Lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ thường có một đợt tăng điểm vào cuối năm (Santa Claus rally).
Nhưng nhà đầu tư ở Phố Wall đang lo rằng họ sẽ không nhận được “món quà Giáng sinh” đó trong năm nay, vì biến chủng mới Omicron của Covid-19 và sự dịch chuyển lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã xói mòn niềm tin trong những phiên giao dịch gần đây.
Đang yên đang lành thì xuất hiện Omicron
Sự xuất hiện của Omicron đặt ra một câu hỏi: Có phải đã đến phần cuối của thời kỳ thị trường giá lên (bull market) kéo dài? Những phát biểu cứng rắn hơn trước của Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến tình hình càng thêm phần ảm đạm.
Trong hai phiên giao dịch ngày thứ Ba và thứ Tư, chỉ số Dow Jones đã mất tổng cộng hơn 1.110 điểm, sau khi bốc hơi hơn 900 điểm trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước. Chỉ số Fear & Greed Index được thiết lập bởi trang CNN Business để đo lường nỗi sợ và lòng tham ở Phố Wall đã tụt về trạng thái “Fear” (tham lam) trong những phiên gần đây và đang ở gần mức “Extreme Fear” (cực kỳ sợ hãi). Mới cách đây 1 tuần, chỉ số này có những dấu hiệu của “Greed” (tham lam).
Đột nhiên, giới đầu tư một lần nữa bị virus Sars-CoV2 làm cho hoảng sợ. Họ lo biến chủng mới có thể làm trệch hướng phục hồi kinh tế và buộc Fed phải thay đổi tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Biến chủng mới là nguyên nhân quan trọng hơn dẫn tới bán tháo, so với những gì ông Powell nói”, chuyên gia James Ragan thuộc D.A. Davidson nói với CNN Business. “Omicron có thể dẫn tới việc người tiêu dùng giảm mua sắm trong mùa nghỉ lễ cuối năm. Đó là điều khiến nhà đầu tư lo lắng”.
Tuy nhiên, giới đầu tư cũng cần ghi nhớ rằng cho dù thị trường biến động mạnh hơn trong thời gian gần đây, chứng khoán Mỹ đã có thêm một năm tuyệt vời. Nếu so với thời điểm đầu năm, Dow Jones hiện tăng 11,1%; S&P 500 tăng khoảng 20,2%; và Nasdaq tăng khoảng 18,4%.
Tháng 12 thường là một trong những tháng tăng tốt nhất hàng năm của thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là thời điểm người tiêu dùng mạnh tay mua sắm cho dịp cuối năm và đón năm mới, các doanh nghiệp tiêu nốt ngân sách hàng năm. Xu hướng này thường dẫn tới lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết trong quý 4, và nhà đầu tư thường đón đầu bằng cách gom cổ phiếu trước khi các công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 của năm trước vào tháng 1 và tháng 2 năm sau.
“Đây thường là một thời điểm tuyệt vời của thị trường. Nhưng biến chủng mới đã dội một gáo nước lạnh”, Giám đốc đầu tư Jimmy Chang của Rockerfeller Global Family Office phát biểu. “Có thể có một đợt tăng mang tính giải toả tâm trạng vào cuối năm, nhưng giờ là lúc chúng tôi giữ thế chờ xem”.
Vậy liệu biến chủng Omicron có thể phá hỏng điều vốn dĩ là “bữa tiệc cuối năm” của chứng khoán Mỹ? Vấn đề nằm ở chỗ đến hiện tại, giới chuyên gia vẫn chưa rõ biến chủng này nguy hiểm đến mức nào. Nhiều người lo ngại Omicron lây dễ hơn và có khả năng kháng vaccine, nhưng cũng có một số người cho rằng mọi chuyện sẽ không nghiêm trọng đến như vậy.
“Virus vẫn là một vấn đề. Nhưng kịch bản chính ở đây là ảnh hưởng sẽ chỉ ở mức độ hạn chế”, chuyên gia kinh tế cấp cao Eric Winograd thuộc AllianceBernstein nhận định. “Hy vọng là chúng ta sẽ không phải quay trở lại tình trạng phong toả của thời điểm tháng 3/2020. Chúng ta đã học được cách chung sống với virus này và điều đó đã giúp cho thị trường và nền kinh tế vững vàng hơn. Tôi không cho là biến chủng mới sẽ đảo ngược tiến bộ mà chúng ta đã đạt được”.
Lập trường dịch chuyển của Fed gây bất an
Nhưng ngoài Omicron, nhà đầu tư còn có những vấn đề khác phải lo lắng, cụ thể là quan điểm thay đổi của Fed về lạm phát.
Trong phiên điều trần ngày 30/11 trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, ông Powell nói rằng đã đến lúc thôi sử dụng từ “tạm thời” để nói về lạm phát. Ông cũng nói Fed có thể đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản để kết thúc chương trình này sớm hơn dự kiến ban đầu.
Những tuyên bố này của người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã góp phần gây ra phiên bán tháo ở Phố Wall cùng ngày. Các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2022 cho dù mối lo về Covid vẫn còn đó. Biến động này của thị trường khiến nhiều người nhớ lại sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ cách đây gần 1 thập kỷ, khi Chủ tịch Fed ở thời điểm đó là ông Ben Bernanke tuyên bố sẵn sàng rút lại các biện pháp kích thích kinh tế thời khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Chang nói rằng lập trường mới của Fed có thể gây bất lợi cho thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là những cổ phiếu meme như GameStop và AMC, vốn là những cổ phiếu đã tăng bùng nổ nhờ Fed cắt giảm lãi suất về gần 0 và bơm 120 tỷ USD mỗi tháng mua tài sản nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua sóng gió đại dịch.
Nói cách khác, nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng Fed sẽ rút lại sự hỗ trợ vào đúng lúc nền kinh tế bắt đầu tăng chậm lại. Ngoài ra, trước mắt cũng không còn gói kích cầu nào từ Chính phủ Mỹ.
“Trong vòng 2 năm qua, sự hỗ trợ bằng chính sách tài khoá là chưa từng có tiền lệ. Điều đó sẽ không lặp lại, và hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ cũng sắp thu lại”, ông Winograd nói.
Trên cơ sở này, ông Winograd cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ quay trở lại mức “bình thường” hơn, là tăng khoảng 2% mỗi năm. Và sau nhiều năm chứng khoán Mỹ liên tục tăng mạnh, điều này vẫn chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu.
“Sự giảm tốc của nền kinh tế khiến thị trường đứng trước thách thức lớn hơn”, ông nói. “Không quá khó để dự báo rằng chứng khoán sẽ không tăng thêm 25% trong năm tới”.