Sản xuất châu Á “hụt hơi” trong tháng 9, kỳ vọng vào gói kích thích của Trung Quốc

Phản ánh nhu cầu thấp từ Trung Quốc và tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu

Theo các cuộc khảo sát mới nhất, hoạt động sản xuất tại châu Á tiếp tục suy yếu trong tháng 9/2024, phản ánh nhu cầu thấp từ Trung Quốc và tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc hỗ trợ các nền kinh tế còn mong manh của khu vực.

Nhật Bản chứng kiến sự suy giảm trong hoạt động sản xuất với chỉ số PMI sản xuất giảm xuống 49.7 – dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng thứ ba liên tiếp. Usamah Bhatti từ S&P Global Market Intelligence nhận xét rằng ngành sản xuất Nhật Bản đang chứng kiến “xu hướng trầm lắng”.

Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm tăng trưởng của Mỹ, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong tháng 9. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – hầu như không tăng.

Ở Trung Quốc, các nhà máy gặp khó khăn, với dữ liệu từ Caixin/S&P Global công bố vào ngày 29/09 cho thấy PMI sản xuất sụt giảm xuống 49.3 trong tháng 9, từ 50.4 của tháng trước và đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Tình hình cũng không mấy khả quan ở các nước Đông Nam Á. Malaysia và Indonesia đều chứng kiến sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất. Trong khi đó, Đài Loan ghi nhận tốc độ mở rộng chậm lại với chỉ số PMI giảm từ 51.5 xuống 50.8.

Tại Việt Nam, chỉ số PMI đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 9, từ đó báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại vào thời điểm cuối quý 3 của năm sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Chỉ số đã giảm từ 52.4 xuống 47.3 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Theo S&P Global, bão Yagi đã có ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ ở các dây truyền sản xuất và chuỗi cung ứng.

“Kết quả là, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào tại Việt Nam đều giảm. Tuy nhiên, sự gián đoạn được cho chỉ là tạm thời và các công ty vẫn tự tin vào triển vọng sản xuất, từ đó tăng số lượng việc làm cho phù hợp. Trong khi đó, áp lực chi phí vẫn tương đối yếu và giá cả đầu ra đã chỉ tăng nhẹ”, S&P Global cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cho rằng gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc có thể tạo ra cú huých cho khu vực châu Á. Trong tuần qua, chính quyền Trung Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ tích cực, bao gồm việc hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Nhiều chuyên gia kỳ vọng những động thái này sẽ giúp kích thích nhu cầu và hỗ trợ các nhà sản xuất trong khu vực trong những tháng tới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán một cuộc “hạ cánh mềm” cho các nền kinh tế châu Á khi lạm phát giảm tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tổ chức này dự báo tăng trưởng trong khu vực sẽ chậm lại từ 5% trong năm 2023 xuống 4.5% năm nay và 4.3% vào năm 2025.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm