Thị trường tuần qua: Sắp trao tay xe điện VF e34, đề xuất bay quốc tế từ 15/12

VinFast sắp bàn giao gần 100 ô tô điện VF e34 đầu tiên cho khách hàng, đề xuất thí điểm bay quốc tế thường lệ từ 15/12… là tin thị trường nổi bật tuần qua 3-10/12.

VinFast sắp bàn giao gần 100 ô tô điện VF e34 đầu tiên cho khách hàng

Ngày 25/12, khoảng 100 chiếc ô tô điện VF e34 đầu tiên sẽ được thương mại hóa và bàn giao đến tay khách hàng. Trong tháng 1/2022, VinFast sẽ tiếp tục bàn giao gần 2.000 xe cho các khách hàng đã đặt cọc cho mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam. Số lượng đơn hàng còn lại sẽ tiếp tục được VinFast giao tới khách hàng trong thời gian tiếp theo.

Thị trường tuần qua: Sắp trao tay xe điện VF e34, đề xuất bay quốc tế từ 15/12 - 1
VinFast VF e34.

Trước đó, mẫu ô tô điện VinFast VF e34 đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Với chứng nhận này, VinFast VF e34 đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật, an toàn, chất lượng theo quy định của Cục Đăng kiểm và đủ điều kiện để lưu hành trên hệ thống giao thông đường bộ tại Việt Nam.

Đề xuất thí điểm bay quốc tế thường lệ từ 15/12

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất 2 giai đoạn thí điểm bay quốc tế thường lệ. Giai đoạn 1 kéo dài 2 tuần, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12, sẽ tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc – Đài Loan(Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ).

Thị trường tuần qua: Sắp trao tay xe điện VF e34, đề xuất bay quốc tế từ 15/12 - 2
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thí điểm bay quốc tế thường lệ từ 15/12.

Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần). Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Giai đoạn 2 thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022. Ngoài 9 thị trường trên, Bộ GTVT mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga).

Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).

Chiều 9/12, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế từ 15/12 theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, với sự tham dự của các bộ ngành liên quan. Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến của các bộ, báo cáo Thủ tướng.

LEGO đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại Bình Dương

Tập đoàn LEGO đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm.

Đây sẽ là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và thứ 2 ở châu Á.

Tập đoàn LEGO được thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932 bởi Ole Kirk Kristiansen. Sản phẩm của LEGO hiện được bán tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới.

Kỷ lục hơn 220.000 tài khoản chứng khoán mới

Chỉ tính riêng trong tháng 11, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mở tổng cộng 221.314 tài khoản giao dịch chứng khoán. Đây là con số cao kỷ lục trong một tháng, thậm chí còn cao hơn con số đạt được trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản).

Trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới ở mức kỷ lục 220.602 tài khoản, tăng hơn 70% so với tháng liền trước. Tổ chức trong nước cũng mở thêm 215 tài khoản.

Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là lần đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Như vậy, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán lũy kế từ đầu năm, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Tính tới cuối tháng 11, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4 triệu, tương đương khoảng 4,1% dân số. Dù vậy đây vẫn là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển trong khu vực và cách xa mục tiêu đạt 8% dân số vào năm 2030.

Thị trường tuần qua: Sắp trao tay xe điện VF e34, đề xuất bay quốc tế từ 15/12 - 3
Hơn 220.000 tài khoản chứng khoán mới được mở trong tháng 11.

1 tháng, ngân hàng bơm gần 127.000 tỷ ra thị trường

Số liệu từ Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI – SSI Research cho thấy chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường, tương đương mức bơm ròng 4.200 tỷ đồng/ngày.

So với tháng 10 trước đó, số tiền ngân hàng bơm ròng ra thị trường qua kênh cho vay này đã tăng gần gấp đôi. Còn nếu so với giai đoạn tháng 8-9, số cho vay ra thị trường tháng gần nhất đã tăng gấp 3 lần.

Nguyên nhân giúp tín dụng tăng mạnh trong tháng vừa qua là gói hỗ trợ lãi suất tại TP.HCM được đẩy mạnh từ tháng 10 với mục đích hỗ trợ nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tốt sau đại dịch, cùng với đó là sự cải thiện của các số liệu vĩ mô tháng 11.

Đồng Nai đầu tư đường sắt gần 100.000 tỷ đồng

Tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu theo hình thức PPP.

Theo đó, dự án Thủ Thiêm – sân bay Long Thành, có chiều dài tuyến là 37,5km, tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng; Dự án tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài 65km, tổng mức đầu tư 50.822 tỷ đồng cùng theo hình thức PPP.

Hai dự án đường sắt này đều nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất. Các dự án này cũng đã được đưa vào quy hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Evergrande vỡ nợ

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings ngày 9/12 cắt giảm định hạng tín nhiệm của China Evergrande Group (Hằng Đại) xuống mức “restricted default” (vỡ nợ giới hạn) do công ty này không thanh toán được hai khoản tiền lãi trái phiếu dù đã hết thời gian ân hạn vào hôm thứ Hai. Đây là lần đầu tiên Evergrande bị dán nhãn vỡ nợ, và diễn biến này có thể châm ngòi cho tình trạng vỡ nợ chéo trong mạng lưới nợ quốc tế phức tạp gồm 19,2 tỷ USD trái phiếu phát hành bằng USD của Evergrande – công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới. Sự kiện này cũng có thể đặt dấu chấm hết cho gã khổng lồ bất động sản được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập cách đây 25 năm.

Tính đến tháng 6, China Evergrande đối mặt với khoản nợ phải trả lên đến 300 tỷ USD. 

Thị trường tuần qua: Sắp trao tay xe điện VF e34, đề xuất bay quốc tế từ 15/12 - 4
Lần đầu tiên Evergrande bị dán nhãn vỡ nợ. (Ảnh: Nikkei Asia/Báo Tin tức)

Việc Evergrande bị gọi là vỡ nợ diễn ra chỉ vài phút sau khi Fitch có động thái dán nhãn tương tự đối với một “ông lớn” khác của ngành địa ốc Trung Quốc là Kaisa Group Holdings Ltd.. Kaisa bị gọi là vỡ nợ vì không thanh toán được 400 triệu USD trái phiếu đã đáo hạn từ trước và hết thời gian ân hạn vào hôm thứ Ba.

Tổng cộng, Evergrande và Kaisa chiếm khoảng 15% dư nợ trái phiếu USD của các công ty bất động sản Trung Quốc.

Từng được nhiều nhà đầu tư xem là “quá lớn để đổ vỡ”, Evergrande giờ đây là trở thành “nạn nhân” lớn nhất trong chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế hoạt động vay nợ tràn lan của doanh nghiệp và thị trường địa ốc tăng trưởng nóng ở nước này. Trước tuần này, doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ tổng cộng 10,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài từ đầu năm, trong đó các công ty bất động sản chiếm 36%, theo dữ liệu của Bloomberg.

Các chủ nợ trái phiếu của Evergrande có khả năng chịu thiệt hại lớn trong một cuộc tái cơ cấu nợ có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để giải quyết. Tuy nhiên, hầu như không có dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng tài chính lan rộng ở thời điểm này. Đó một phần là bởi giới đầu tư đã lường trước khả năng vỡ nợ của Evergrande từ nhiều tháng qua. Ngoài ra, quan trọng hơn, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp giảm sốc.

Nửa đầu năm, Vietravel lỗ hơn 290 tỷ đồng 

Do tác động của dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội tới ngành du lịch, Vietravel ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh chỉ còn 545 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2020.

Giá vốn không giảm tương ứng đã khiến Vietravel lỗ sau thuế hơn 293 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ cùng kỳ 2020 là 73,6 tỷ đồng. Giá vốn doanh nghiệp không thể tiết giảm mạnh do chi phí tài chính tăng mạnh hơn 42% lên 65,6 tỷ đồng. Các chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ lên lần lượt 10,7 tỷ và 122,8 tỷ đồng.

Trước đó, do chậm công bố báo cáo bán niên 2021 soát xét, cổ phiếu VTR của Vietravel đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện hạn chế, chỉ được giao dịch phiên thứ 6 kể từ ngày 8/12. Trước đó, mã này cũng bị dừng giao dịch 3 phiên từ ngày 3/12.

Cho thuê nhà dưới 100 triệu đồng/năm không phải đóng thuế

Thị trường tuần qua: Sắp trao tay xe điện VF e34, đề xuất bay quốc tế từ 15/12 - 5
Ảnh minh họa: VNN

Thông tư 100 sửa đổi Thông tư 40 hướng dẫn thu thuế với hộ và cá nhân kinh doanh vừa được ban hành. Thông tư này quy định, nếu phát sinh doanh thu không trọn một năm 100 triệu đồng trở xuống từ cho thuê nhà không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Nếu người đi thuê trả tiền trước cho nhiều năm, doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không dựa trên doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.

Trước đó, Thông tư 40 ban hành hồi tháng 6 từng gây tranh cãi liên quan đến cách thu thuế người cho thuê tài sản như cho thuê nhà. Thông tư này cho biết, doanh thu để xác định tiền thuế là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản. Kể cả doanh thu cho thuê trong một năm dương lịch không đủ 100 triệu nhưng nếu cho thuê vắt sang năm thứ hai, tính trung bình mỗi tháng có doanh thu hơn 8,3 triệu thì chủ nhà vẫn phải đóng thuế. Thông tư 40 cũng lấy ví dụ cụ thể về trường hợp cá nhân cho thuê nhà có doanh thu tính theo năm dương lịch dưới 100 triệu đồng vẫn phải đóng thuế.

Tuy nhiên, trái với văn bản đã ban hành khi đó, Tổng cục thuế khẳng định, cá nhân cho thuê doanh thu năm dưới 100 triệu không phải đóng thuế.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm