Kể từ khi được Satoshi Nakamoto thiết kế vào năm 2007 và giao dịch lần đầu tiên vào năm 2009, trải qua 12 năm Bitcoin đã trở thành tài sản có giá trị gia tăng nhiều nhất trong lịch sử nhân loại mà không một tài sản nào theo kịp: 85 triệu lần (tính mức giá cao nhất lịch sử đầu năm nay). Thời điểm ban đầu Bitcoin Dominance (tỷ trọng BTC trên toàn bộ thị trường) lên tới gần 100% toàn bộ thị trường tiền số. Tuy nhiên con số này chỉ còn chưa tới một nửa ngày nay (hiện dao động quanh 40% đến dưới 50%) do sự trỗi dậy mạnh mẽ của các Altcoin.
Altcoin là những đồng tiền số khác ngoài Bitcoin (kể cả các loại tiền số được tạo ra bởi hardfork (bản nâng cấp) các loại tiền số cũ, bao gồm hardfork từ Bitcoin như Bitcoin Cash hay Bitcoin SV) ngày càng trở nên có chỗ đứng trong thế giới tiền số nói riêng |
Altcoin là những đồng tiền số khác ngoài Bitcoin (kể cả các loại tiền số được tạo ra bởi hardfork (bản nâng cấp) các loại tiền số cũ, bao gồm hardfork từ Bitcoin như Bitcoin Cash hay Bitcoin SV) ngày càng trở nên có chỗ đứng trong thế giới tiền số nói riêng và công nghệ 4.0 nói chung. Bởi lẽ số lượng Altcoin ngày càng tăng lên và giá trị của nhiều Altcoin tăng lên.
Tuy vậy sự đào thải cũng rất khắc nghiệt. Những coin/token rác, tiền ảo hay coin bẩn, token lừa đảo xuất hiện rồi biến mất cũng rất nhanh và thường không được các tổ chức uy tín trên thế giới tiền số như CMC, Coingecko… xác nhận.
Những ứng dụng của Altcoin vượt Bitcoin
Hiện các trend (xu hướng) rất nổi hiện nay là các dự án DeFi (tài chính phi tập trung), NFTs (Token độc nhất vô nhị)… hay các coin/token nền tảng giúp phát triển nhiều dự án như Ethereum đã quá nổi tiếng, thì Cardano, Polkadot, Solana, TRON, NEAR, Polygon… nổi lên với những giải pháp công nghệ thay thế. Thậm chí có những dự án đầy tham vọng như ICP (Internet Protocol) với mục tiêu mang cả thế giới đặt lên Internet như những thông tin cá nhân, nhạy cảm đều được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Tuy vậy sự xuất hiện được đánh giá là “bom xịt” khi giá giảm hơn 90% từ đỉnh, nhưng lộ trình phát triển của dự án này còn tới 20 năm thì tương lai vẫn còn ở phía trước.
Với DeFi đã làm các loại hình hoạt động kinh doanh tập trung sẽ phải thay đổi, bởi nhiều hoạt động tập trung dần bị thay thế như các giao dịch thông qua sàn sẽ không còn, mà hệ sinh thái phi tập trung sẽ xử lý. Do không còn trung gian, không cần bảo trì hệ thống tập trung, các chi phí vận hành và cũng không cần phải có người đảm bảo sự tin cậy, vì bản thân DeFi đã có thuộc tính đó. Tính minh bạch của DeFi cũng giảm các xung đột pháp lý, giảm ở mức tối thiểu các loại hình lừa đảo.
Hay nhiều nghệ sĩ đã tận dụng NFTs để có thể bán các tác phẩm nghệ thuật của mình trên mạng. Thậm chí mới đây có thiếu nữ ở Ba Lan còn bán được cả tình yêu nhờ NFTs. Ứng dụng từ NFTs và DeFi cũng đang phát triển cho những sản phẩm cần bản quyền, các chứng nhận bằng cấp, giấy tờ, hồ sơ quan trọng không thể sao chép, các loại giấy phép điện tử kể cả giấy khai sinh hay chứng tử, chứng nhận bằng cấp, thời hạn bảo hành điện tử, chữ ký số hay hỗ trợ số hóa các loại tài sản, quản lý các nguồn tài nguyên thông qua công nghệ số và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hiện nay.
Nhưng Bitcoin vẫn chưa chịu thua. Trước khi các Altcoin nổi lên, Bitcoin một mình một chợ và ứng dụng chủ yếu của Bitcoin là đầu cơ. Cơn sốt Bitcoin đã đẩy giá tăng đến mức không tưởng. Tuy nhiên hạn chế Bitcoin ngày càng lộ rõ khi các Altcoin xuất hiện nhiều hơn bởi công nghệ tốt hơn, nhanh hơn, xử lý giao dịch nhiều hơn mà còn tiết kiệm năng lượng, và rõ ràng có ứng dụng được vào thực tiễn khi nhiều nền tảng, công nghệ Blockchain, multi-chain, DeFi… đều phải sử dụng Altcoin, hoặc muốn gia tăng hiệu quả cần phải có Altcoin.
Bởi thế dù đã hardfork lẫn softfork nhiều lần, nhưng yếu tố đầu cơ vẫn đè nặng lên Bitcoin và các phiên bản được hardfork như Bitcoin Cash, Bitcoin SV. Bởi vậy kể từ sau bản Fork trực tiếp nổi tiếng nhất là Segwit (Segregated Witness) của Bitcoin, thì tháng 11 này bản Fork mới được cộng đồng mong đợi nhất, sẽ mang lại ứng dụng thực tế chứ không chỉ thuần túy đầu cơ là Taproot sẽ ra mắt được kỳ vọng sẽ thay đổi cách nhìn của thế giới về Bitcoin. Cụ thể giúp những thông tin riêng tư an toàn hơn, tăng tốc độ, giảm khối lượng dữ liệu được truyền và lưu trữ trên blockchain, nhiều giao dịch trên 1 khối hơn trước, bảo mật tốt hơn, tổng hợp chữ ký số, phí thấp hơn… hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng hơn với nhiều tổ chức chấp nhận hơn bây giờ.
Việt Nam có tên trên bản đồ đẳng cấp quốc tế
Điều đáng mừng là dù chúng ta có tụt hậu những lĩnh vực khác so với thế giới, nhưng riêng thời đại 4.0 đều có sự khởi đầu ngang bằng với nhau, thì nhiều dự án tài sản số, tiền tệ kỹ thuật số (KTS) do người Việt thực hiện hoặc lãnh đạo đã có tên trên bản đồ thế giới, thậm chí còn giữ vị trí hàng đầu. Những năm đầu tiên của tài sản số và tiền tệ KTS có rất ít dự án, và nhiều dự án bị dính phốt lừa đảo có liên quan tới người Việt. Nhiều sàn, tổ chức đã cấm cửa hoặc xác minh rất kỹ KYC có nguồn gốc từ Việt Nam. Tuy nhiên với sự phát triển như vũ bão cùng sự học hỏi, sáng tạo không ngừng đã giúp Việt Nam có tên trên Top bản đồ quốc tế.
Trước năm 2020 có khá ít dự án thành công, tiêu biểu chỉ có Kyber Network (KNC) được khá nhiều người biết tới, song truyền thông quốc tế cũng nhắc nhiều khi huy động được 52 triệu USD chỉ trong vài giờ – “khủng” nhất trong lịch sử khởi nghiệp của người Việt tại thời điểm đó (2017) và cũng là kỷ lục tới tận bây giờ.
Trong năm 2021, dù mới nửa đầu năm nhưng cả thế giới lại được một phen sửng sốt với dự án Axie Infinity (AXS) với tốc độ tăng giá hàng chục lần, bất chấp mùa sale off hiện nay. Vốn hóa dự án này đã vượt hơn 11 tỷ USD và AXS thậm chí đã lên tới vị trí thứ 2 trong xếp hạng của CMC về nền tảng NFTs toàn cầu, làm cả thế giới phải ngỡ ngàng. Vốn hóa này bằng hơn một nửa vốn hóa của công ty lớn nhất trên sàn CKVN (chỉ tính token AXS chưa tính giá trị cổ phiếu của công ty tạo ra nó) và giao dịch có những ngày vượt 5 tỷ USD, nghĩa là gấp 5 lần thời điểm tốt nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, tháng 7 vừa rồi nền tảng multi-chain C98 được niêm yết quốc tế với tỷ lệ token dành cho IEOs (Initial Exchange Offerings), chỉ 5% với gần 75.000 người tham gia trên khắp thế giới với tổng số tiền cam kết tới hơn 1,6 tỷ USD, đã giúp dự án này có vốn hóa ngay lập tức vượt 1 tỷ USD và cũng là dự án có lượng giao dịch nhiều nhất trong 24 giờ niêm yết đầu tiên trên Binance.
Tuy nhiên, hầu hết các dự án của người Việt đều có pháp nhân ở nước ngoài, như KNC là của Singapore dù là do người Việt quản lý; hoặc chỉ hoạt động trên không gian mạng không có địa chỉ cụ thể. Do đó việc tạo ra hành lang pháp lý cũng như sử dụng các công nghệ nền tảng của tài sản số, tiền tệ KTS sẽ giúp các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển trên con đường nhanh hơn, tốt hơn, ổn định và bền vững hơn; có cơ hội đuổi kịp và vượt các quốc gia khác. Đặc biệt là trong và sau mùa dịch Covid-19 khi mà tư duy cũng như các cơ hội kinh doanh đều đã thay đổi rất nhiều.