Thị trường chứng khoán trong tháng 8 biến động với biên độ lớn, khởi đầu tích cực với đà tăng liên tục của VN-Index lên ngưỡng 1.370 điểm. Tuy nhiên sau đó chỉ số chịu áp lực điều chỉnh trở lại và đóng cửa tháng 8 ở mốc 1.331 điểm, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 31,67% so với đầu năm.
Việc thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành phố phía Nam đã tác động đáng kể lên tâm lý các nhà đầu tư từ nửa sau tháng 8. Thị trường có thời điểm lao dốc mạnh hơn 75 điểm trong khoảng 20-23/8, trước khi hồi phục nhờ tâm lý nhà đầu tư ổn định.
Tính đến cuối tháng vừa qua, quy mô vốn hóa trên sàn HoSE đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,9% so với tháng trước và tương đương gần 80% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành). Sàn này có tổng cộng 385 mã chứng khoán với khối lượng niêm yết trên 108,26 tỷ đơn vị.
Thanh khoản quay về tỷ USD
Thanh khoản là điểm sáng khi giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn ghi nhận 30.177 tỷ đồng/phiên, tăng 15,3% so với tháng 7. Riêng giá trị giao dịch cổ phiếu tại sàn HoSE đã quay về mức tỷ USD đạt hơn 23.000 tỷ đồng/phiên, tăng gần 14% so với tháng 7 và cũng chỉ kém so với mức thanh khoản kỷ lục trong tháng 6.
Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trên HoSE lần lượt đạt trên 506.768 tỷ đồng và 15,47 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 14% về giá trị và tăng 16,6% về khối lượng so với tháng trước.
Diễn biến VN-Index trong tháng 8. Đồ thị: TradingView. |
Đáng chú ý khi phiên giao dịch ngày 20/8, HoSE ghi nhận thanh khoản cao đột biến với giá trị 38.075 tỷ đồng, tương đương với gần 1,2 tỷ cổ phiếu được sang tay, mức cao nhất trong 21 năm hoạt động của Sở này.
Mã chứng khoán được giao dịch sôi động nhất là HPG của Tập đoàn Hòa Phát với khối lượng hơn 597 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Trong khi đó VHM của Vinhomes lại đạt giá trị giao dịch lớn nhất với con số gần 33.800 tỷ đồng.
Trong tháng 8, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE đạt trên 66.944 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục bán ròng gần 93 triệu cổ phiếu, tương ứng với hơn 6.300 tỷ đồng. Tính lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 36.769 tỷ đồng tại HoSE.
Hiện nay trên sàn chứng khoán TP.HCM có 37 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Trong số đó có 3 đơn vị vượt vốn hóa 10 tỷ USD là Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).
Hoạt động niêm yết không có biến động trong tháng 8. Tuy nhiên dự kiến trong tháng 9, HoSE tiếp nhận lại 16/17 doanh nghiệp về giao dịch (đây là các đơn vị từng chuyển giao dịch sang HNX nhằm giảm tải cho hệ thống giao dịch của Sở).
Cổ phiếu dược tăng giá 3 lần
Theo thống kê của HoSE, các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này bao gồm: ngành chăm sóc sức khỏe tăng 18,38%, ngành công nghiệp tăng 11,96% và ngành nguyên vật liệu tăng 8,21%. Ngược lại các ngành ghi nhận sự sụt giảm bao gồm ngành công nghệ thông tin giảm 0,04% và ngành tài chính giảm 3,23%.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm kéo lùi chỉ số đáng kể trong thời gian gần đây. Thống kê toàn thị trường cho thấy 19/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá mức phổ biến dao động khoảng 5-7% so với đầu tháng.
Trong đó, VIB giảm mạnh nhất 13% trong tháng và đã mất hơn 30% giá trị kể từ mức đỉnh hồi đầu tháng 7. Tiếp đến là ACB cũng giảm hơn 10% xuống quanh 32.000 đồng/cổ phiếu, vùng giá thấp nhất kể từ tháng 5 đến nay.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhóm cổ phiếu mới tăng mạnh tạo nên làn sóng thu hút vốn đáng kể. Đơn cử như nhóm cảng biển vẫn tiếp tục có hiệu suất vượt trội, nhiều cổ phiếu như GMD, HAH, MVN, VOS, SGP… liên tục lập đỉnh mới giữa bối cảnh giá cước vận tải và nhu cầu tại kho cảng tăng mạnh.
Cổ phiếu chứng khoán cũng không kém cạnh khi nhiều mã chứng khoán leo đỉnh, đặc biệt là các mã quy mô nhỏ có mức tăng đột biến sau các thông tin về chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, mở rộng margin và hưởng lợi từ thanh khoản thị trường. Một số nhóm khác cũng tăng mạnh đáng chú ý như dược phẩm nhờ các thông tin về vaccine, thủy sản hay ngành than.
Với nhóm vốn hóa lớn VN30, bộ đôi cổ phiếu VHM và VIC của nhóm Vingroup vẫn phần lớn chìm trong sắc đỏ, giá trị vốn hóa theo đó bị Vietcombank vượt mặt để trở thành công ty có giá trị nhất sàn chứng khoán. Một thay đổi khác là GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su tăng mạnh 15% trong tháng vừa qua để lọt vào top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường.
Xét về cổ phiếu riêng lẻ, trên sàn HoSE, cổ phiếu VMD của Y Dược phẩm Vimedimex tăng mạnh nhất đến 208% sau thông tin được cấp phép nhập khẩu vaccine về Việt Nam. Mã TGG tăng giá 159% trong chuỗi thâu tóm của Luois Holdings và cổ phiếu dược SPM cũng tăng 114%, là nhóm 3 cổ phiếu tăng bằng lần trên HoSE.
Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng mạnh nhất là VGS của Ống thép Việt Đức với mức tăng 120% trong tháng. Tiếp đến là SMT tăng 99% hay BII tăng 84%, đây là 2 mã chứng khoán liên quan đến hoạt động thâu tóm của Luois Holdings.
Trên sàn UPCoM, mã MVN của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam tăng mạnh nhất 154% trong tháng vừa qua. Một số cổ phiếu khác tăng bằng khác là MGC tăng 147%, IHK tăng 126%, POB tăng 117%, NJC tăng 105%