itcoin tuột khỏi mốc giá 60.000 USD sau khi Trung Quốc nói việc đào Bitcoin “tiêu thụ quá nhiều điện” và “tạo ra quá nhiều khí thải carbon”, thậm chí chỉ trích ngành công nghiệp này là “mù quáng và mất trật tự”….
Nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực “đào” (mine) tiền ảo, gọi đây là một hoạt động “cực kỳ có hại” đe doạ phá hỏng nỗ lực của Trung Quốc về giảm khí thải carbon.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 16/11, người phát ngôn Meng Wei của Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) chỉ trích mạnh hoạt động đào Bitcoin. Bà Meng nói hoạt động này “tiêu thụ quá nhiều điện” và “tạo ra quá nhiều khí thải carbon”.
Bà cho biết NDRC – cơ quan lên kế hoạch kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc – sẽ mở một chiến dịch trấn áp “toàn diện” đối với hoạt động đào tiền ảo, bằng cách tập trung vào các mỏ tiền ảo thương mại và vai trò của các doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực này. Bà cũng nói việc sản xuất và giao dịch tiền ảo đặt ra “rủi ro lớn” và chỉ trích ngành công nghiệp này là “mù quáng và mất trật tự”.
Theo kế hoạch mới, NDRC sẽ nâng giá điện đối với bất kỳ tổ chức nào bị phát hiện lợi dụng nguồn điện giá trợ cấp để tham gia hoạt động đào tiền ảo. Trung Quốc thường trợ cấp giá điện cho các trường học, cơ sở cộng đồng, và các tổ chức phúc lợi xã hội.
Giá Bitcoin lao dốc sau tuyên bố của NDRC, tuột khỏi mốc quan trọng 60.000 USD. Lúc gần 9h sáng ngày 17/11 theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 59.921 USD, giảm 3,4% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.
Đây là mức giá thấp nhất của Bitcoin trong hơn 1 tuần qua. Tuần trước, giá Bitcoin lập kỷ lục mọi thời đại gần 70.000 USD. Trong vòng 1 tuần, giá tiền ảo này đã giảm hơn 10%, một phần do áp lực chốt lời.
Giá đồng tiền ảo lớn thứ nhì thế giới là Ethereum cũng giảm mạnh, với mức giảm hơn 4%, còn 4.200 USD, thấp nhất trong nửa tháng. Trong vòng 1 tuần, giá Ethereum đã giảm trên 11%.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra tuyên bố cứng rắn đối với ngành công nghiệp đào tiền ảo. Từ tháng 5 đến nay, nước này đã đẩy mạnh chiến dịch siết kiểm soát tiền ảo, bao gồm cấm hoàn toàn việc giao dịch tiền ảo và tăng cường giám sát đối với hoạt động đào tiền ảo. Trong bối cảnh như vây, ngành đào tiền ảo ở Trung Quốc được cho là chỉ còn “thoi thóp”.
Trung Quốc từng chiếm hơn 75% công suất đào Bitcoin trên toàn cầu – theo một báo cáo của tạp chí Nature Communications hồi tháng 4. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, Mỹ gần đây đã vượt Trung Quốc trở thành trung tâm mới của hoạt động đào tiền ảo trên toàn cầu.
Dù giảm trong tuần này, giá Bitcoin vẫn tăng mạnh từ đầu năm đến nay, với tổng mức tăng đạt khoảng 110%.
Trung Quốc mạnh tay với tiền ảo vì một số lý do. Bắc Kinh coi tiền ảo là một rủi ro tài chính lớn, vì tiền ảo cho phép người dân nước này “lách” các biện pháp kiểm soát dòng vốn nghiêm ngặt. Tiền ảo như Bitcoin cũng là đối thủ cạnh tranh với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang thử nghiệm.
Ngoài ra, Trung Quốc đang theo đuổi các mục tiêu về khí hậu nhằm đạt tới trạng thái trung tính carbon vào năm 2060, trong khi hoạt động đào tiền ảo lại đe doạ mục tiêu này. Chưa kể, Trung Quốc còn đang ở trong một cuộc khủng hoảng thiếu điện, với hàng trăm triệu hộ gia đình và hàng nghìn nhà máy phải chịu cảnh cắt điện luân phiên.
Nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm kiểm soát lĩnh vực đào tiền ảo sẽ có “tầm quan trọng to lớn” đối với mục tiêu của nước này về giảm khí thải carbon và đạt tới trung tính carbon – bà Meng nói trong cuộc họp báo ngày 16/11. Trung Quốc phải “cương quyết ngăn chặn hoạt động đào tiền ảo trỗi dậy”, bà Meng nói.