Các công ty của Nga có thể dùng Bitcoin làm công cụ chống lại lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tất cả điều này đã được lên kế hoạch rõ ràng.
Sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép lực lượng đặc nhiệm tiến đến vùng Donbas của Ukraine để thực hiện nhiệm vụ “phi quân sự hóa” khu vực này. Tất nhiên, điều này đã dẫn đến việc Nga bị phương Tây trừng phạt bằng các lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Nga đã chuẩn bị rất kỹ càng để giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt. Cụ thể, nước này đã sẵn sàng sử dụng tiền mã hóa để vượt qua các rào cản đang được áp đặt.
Thậm chí, Nga nhiều khả năng sẽ thực hiện giao dịch với nhiều tổ chức trên toàn cầu bằng tiền số, khi lĩnh vực này không chịu sự chi phối từ các Ngân hàng Trung ương.
Trước đó, New York Times cho rằng chính phủ Nga đang tăng tốc phát triển đồng tiền mã hóa cho Ngân hàng Trung ương. Nó được ví như “đồng rúp kỹ thuật số” với hy vọng sẽ được sử dụng để giao dịch trực tiếp với các quốc gia khác mà không cần đổi qua USD.
Thậm chí, cuối tháng 1, Tổng thống Vladimir Putin đã phát biểu ủng hộ hoạt động khai thác coin tại Nga và rất có thể ông đã tính toán kỹ lưỡng cho điều này.
Ngoài ra, các kỹ thuật đánh cắp dữ liệu như ransomware cũng có thể giúp nhiều tổ chức của Nga “ăn trộm” tiền mã hóa và bù đắp doanh thu bị thất thoát do các lệnh trừng phạt.
Hiện tại, các công cụ mới được phát triển ở Nga đang cho phép nước này che giấu lịch sử giao dịch trên mạng lưới blockchain. Nói cách khác, các doanh nghiệp toàn cầu có ý định giao dịch và làm ăn với Nga sẽ khó bị phát hiện nếu thông qua tiền mã hóa.
Theo một báo cáo trên New York Times, kể từ năm 2014, Mỹ đã cấm công dân của mình kinh doanh với các ngân hàng, nhà phát triển dầu khí và công ty của Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea.
Tại thời điểm đó, nền kinh tế của Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Giới chuyên gia nhận định rằng những lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại cho Nga tới 50 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài ra, trong một lần trả lời phỏng vấn với New York Times, cựu công tố viên liên bang Michael Parker cho rằng Nga có rất nhiều thời gian để suy nghĩ về hậu quả của cuộc chiến “phi quân sự hóa” và thật ngây thơ khi nghĩ rằng nước này không lên kế hoạch trước.
Bên cạnh Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Canada, Australia và Nhật Bản cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi quân đội nước này tràn qua biên giới Ukraine. Tất nhiên, kinh tế luôn là trọng tâm của các lệnh trừng phạt khi các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu có thể chặn toàn bộ giao dịch với Nga.
Tuy nhiên, như đã đề cập, việc sử dụng tiền mã hóa không nằm trong sự quản lý của các ngân hàng và Nga có thể lợi dụng điều này để vượt qua lệnh trừng phạt từ phương Tây.