ancial Times đưa tin danh sách đen sắp được chính quyền Trung Quốc công bố có thể gây khó cho các startup công nghệ muốn huy động vốn nước ngoài.
Nguồn tin của Financial Times cho biết danh sách đen có thể được công bố sớm nhất trong tháng 12. Danh sách sẽ bao gồm những công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm, chẳng hạn những lĩnh vực liên quan đến sử dụng dữ liệu hoặc gây ra lo ngại về an ninh quốc gia.
Quy định mới của chính quyền Bắc Kinh cũng nhắm vào các startup tìm cách huy động vốn thông qua mô hình sở hữu đặc biệt (VIE).
Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại thị trường Mỹ.
Kênh huy động vốn được ưa chuộng
VIE chưa bao giờ được Bắc Kinh phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, VIE đã cho phép các công ty Trung Quốc lách những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp Internet.
Cụ thể, mô hình này cho phép doanh nghiệp Trung Quốc chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài, được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể sở hữu cổ phần.
Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ.
Trong số 700 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ vào năm 2017, những công ty có trụ sở tại Caymans chiếm 477 tỷ USD, theo một báo cáo hồi năm ngoái của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
Hệ thống quy tắc do Trung Quốc đặt ra vào năm 1994 yêu cầu các công ty phải nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Nhà nước để niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Tuy nhiên, chúng chỉ có hiệu lực với những công ty phát hành cổ phiếu có trụ sở tại Trung Quốc và không xem xét đến khả năng niêm yết thông qua một công ty vỏ bọc ở nước ngoài.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) từng nhấn mạnh tình trạng pháp lý không rõ ràng của các VIE trong một báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái. Cơ quan này khẳng định cơ cấu VIE của doanh nghiệp Trung Quốc “gây rủi ro cho nhà đầu tư Mỹ”.
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc – cơ quan cố vấn lưỡng đảng cho Quốc hội – cũng đề xuất luật chặn các công ty Trung Quốc phát hành cổ phiếu trên thị trường Mỹ thông qua VIE.
Siết chặt kiểm soát
Hôm 2/12, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi cho biết đang chuẩn bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ và bắt đầu bán cổ phiếu ở Hong Kong. Trước đó, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc yêu cầu Didi hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York (Mỹ).
Didi gặp rắc rối lớn với cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi IPO thành công trên sàn New York hồi tháng 7 và thu về 4,4 tỷ USD.
Trước đó, Bắc Kinh cũng yêu cầu Ant Group – tập đoàn công nghệ tài chính (fintech) của tỷ phú Jack Ma – hoãn IPO và thay đổi mô hình kinh doanh. Vào tháng 4, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba (NYSE:BABA) phải trả khoản tiền phạt kỷ lục vì vi phạm các quy định chống độc quyền.
Theo giới quan sát, yêu cầu hủy niêm yết đối với Didi là sự trừng phạt đối với những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài. Đó là minh chứng điển hình cho cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh nhằm kiểm soát quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn.
Washington và Bắc Kinh cũng đang tranh cãi về quyền tiếp cận sổ sách của các công ty niêm yết. Do đó, việc Didi hủy niêm yết có thể kích hoạt làn sóng rời đi của các công ty Trung Quốc khác trên sàn Mỹ.
Tuần trước, SEC đã hoàn thiện các quy tắc cho phép cơ quan này xóa sổ những doanh nghiệp nước ngoài từ chối giao sổ sách cho SEC.
Trong nhiều năm, Trung Quốc từ chối để các cơ quan quản lý nước ngoài kiểm toán những doanh nghiệp trong nước. Lý do phía Bắc Kinh đưa ra là lo ngại an ninh quốc gia.
“Tình thế đã thay đổi. Các công ty ngày nay, nhất là những công ty thống trị thị trường, hoặc các công ty trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định, có thể phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng khi muốn huy động vốn trên sàn nước ngoài”, ông Brock Silvers – Giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital ở Hong Kong – nhận định.