Chứng khoán 2/3: Ưu tiên nắm giữ tiền mặt, hạn chế mua mới

Phiên giao dịch hôm nay 2/3, sự giằng co có thể diễn ra trong phiên sáng giữa lực mua ở vùng hỗ trợ 1.490 - 1.495 điểm

Đà giảm tạm thời chững lại

Nga và Ukraine đã kết thúc cuộc đàm phán đầu tiên và quay trở về thủ đô nước mình với cam kết sẵn sàng duy trì đối thoại. Điều này đã có tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư giúp cải thiện thanh khoản và VN-Index đã lấy lại được gần như toàn bộ số điểm đánh mất vào phiên trước đó. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3, chỉ số VN-Index tăng 8,65 điểm (+0,58%) lên 1.498,78 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về tích cực với 247 mã tăng (22 mã tăng trần), 51 mã tham chiếu, 204 mã giảm (2 mã giảm sàn).

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm VN30 (+0,19%) có diễn biến tương đối phân hóa nhưng sắc xanh vẫn chiếm ưu thế với 17/30 mã tăng giá, có thể kể đến các đại diện như: VIC (+2,9%), VCB (+0,6%), VHM (+0,6%), VNM (+1%), BID (+0,9%)… Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi tăng khá tốt trong phiên sáng đã chịu áp lực bán về cuối phiên khiến mức tăng bị thu hẹp đáng kể, thậm chí có mã còn chuyển từ “xanh” sang đỏ.

Tâm điểm phiên 1/3 là nhóm bất động sản xây dựng với nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, thậm chí tăng trần, có thể kể đến như: DIG (+7%), NLG (+4,2%), CEO (+9,3%), DXG (+2,1%), IDC (+4,2%), SCR (+5,2%), CII (+3,7%), VCG (+2,8%), HBC (+2%), ROS (+2%)… Nhóm thép chịu áp lực chốt lời nên đã phân hóa trở lại với HSG (+1,7%), NKG (+2,5%)… ở chiều tăng và HPG (-0,6%), TLH (-0,2%)… ở chiều giảm. Giá dầu thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng nhưng cổ phiếu dầu khí lại bị bán trong phiên 1/3: PLX (-1,6%), OIL (-1%), PSH (-3,5%), PVB (-0,8%), GAS (-0,3%)…

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), đồ thị ngày 1/3 VN-Index xuất hiện cây nến xanh đầu tiên sau 3 cây nến đỏ liên tiếp, với giá đóng cửa nằm trên 2 đường trung bình động ngắn hạn quan trọng là MA20 ngày và MA50 ngày là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy đà giảm tạm thời chững lại, và 2 đường MA20 ngày và MA50 ngày đang là hỗ trợ khá tốt cho chỉ số.

Trong phiên giao dịch hôm nay 2/3, sự giằng co có thể sẽ diễn ra trong phiên sáng giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.490 – 1.495 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.500 – 1.505 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.

1.512 điểm vẫn là mức kháng cự mạnh trong ngắn hạn

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ còn trong giai đoạn tích lũy và chỉ số VN-Index có thể sẽ còn biến động hẹp quanh đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, mức 1.512 điểm vẫn là mức kháng cự mạnh của chỉ số VN-Index trong ngắn hạn, điểm tích cực là dòng tiền vẫn tiếp tục phân hóa cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường và dòng tiền ngắn hạn liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền có xu hướng quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sau một tuần tích lũy trước đó cho thấy dòng tiền ngắn hạn đã cải thiện tích cực hơn.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với tỷ lệ trên 55% danh mục”, chuyên gia của YSVN nêu quan điểm.

Ông Trần Xuân Bách, chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, thị trường đang đối mặt với áp lực giảm điểm trong nửa đầu tháng 3 khi có nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn tác động đến thị trường như: căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine; cuộc họp chính sách tiền tệ của FOMC; các quỹ ETFs thực hiện tái cơ cấu danh mục quý 3; và đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 3.

Nhà đầu tư vẫn ưu tiên nắm giữ vị thế tiền mặt, chỉ thực hiện mua gom tích lũy các cổ phiếu cơ bản, có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 khi thị trường xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh. Hạn chế dần việc mở các vị thế mua mới hoặc thực hiện các hoạt động trading trong giai đoạn hiện tại”, ông Trần Xuân Bách khuyến nghị.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm