‘Công xưởng thế giới’ đối mặt làn sóng đóng cửa, tạm ngừng sản xuất hàng loạt vì bão giá

Các nhà sản xuất Trung Quốc cho biết có quá nhiều rủi ro nếu nhận đơn hàng mới nên họ phải đóng cửa nhà máy và giảm nhân sự. Ngay cả khi chuỗi cung ứng trở lại Trung Quốc, các nguyên liệu thô quan trọng đều trở nên quá đắt để có lời.

Càng sản xuất càng lỗ

Làn sóng đóng cửa và tạm ngừng sản xuất đang “càn quét” trung tâm sản xuất ở phía nam Trung Quốc do đà tăng mạnh của giá nguyên liệu thô ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp và làm gia tăng lo ngại về rủi ro lạm phát trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khắp tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng công nghiệp, nơi sản xuất mọi thứ từ sản phẩm đúc từ thép đến đồ gia dụng, đều than thở rằng năm nay họ có thể còn khó trụ vững hơn năm ngoái.

Điều này có thể khiến một số người ngạc nhiên vì nhiều khách hàng nước ngoài có xu hướng chuyển sang Trung Quốc để thực hiện đơn hàng thay vì tới những khu vực đang bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 như Ấn Độ và Đông Nam Á. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho chuỗi cung ứng trên khắp thế giới, nguồn cung các vật liệu mà các nhà sản xuất Trung Quốc cần lại trở nên quá đắt đỏ.

Tuần trước, Modern Casting, một trong những nhà máy cung cấp sắt và thép đúc lớn nhất Quảng Đông, đưa ra thông báo tới khách hàng về việc công ty sẽ không thể thực hiện tốt các đơn đặt hàng đã nhận do thiếu nguồn cung cũng như giá vật liệu thô tăng.

“Chi phí mua vật liệu đúc đã vượt quá lợi nhuận gộp của công ty, tăng lên mức mà chúng tôi không thể chịu thêm bất kỳ khoản lỗ nào nữa”, Modern Casting viết.

Công xưởng thế giới’ đối mặt làn sóng đóng cửa, tạm ngừng sản xuất hàng loạt vì bão giá - Ảnh 1.

Làn sóng đóng cửa và tạm ngừng sản xuất đang “càn quét” trung tâm sản xuất ở phía nam Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Trong cùng khu công nghiệp với Modern Casting, một nhà máy đúc quy mô nhỏ hơn, JiangXin Foundry, cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm sản lượng, theo giám đốc sản xuất Huo Huagen. Ông Huo cho biết nhà máy hiện chỉ hoạt động 4 ngày trên tuần, sau đó đóng cửa trong 3 ngày tiếp theo. Ông đưa ra lý do là giá thép phế liệu, nguyên liệu thô chính mà JiangXin Foundry sử dụng, tăng vọt lên hơn 4.500 nhân dân tệ/tấn (700 USD/tấn) trong vài tuần gần đây. Giá chỉ tăng 700 nhân dân tệ/tấn vào ngày 3/5, nhưng vài ngày sau đã tăng hàng trăm nhân dân tệ với mỗi tấn thép phế liệu.

“Điều đó có nghĩa là càng sản xuất, chúng tôi càng thua lỗ. Mỗi tấn gang mà chúng tôi sản xuất tương đương với việc lỗ 1.500 nhân dân tệ”, Huo chia sẻ. Ông dự đoán sản lượng của công ty sẽ giảm đáng kể trong năm nay và có thể trong cả năm sau.

“Sản lượng của chúng tôi đạt khoảng 5.000 tấn vào năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng là khoảng 400 tấn/tháng. Trong tháng 5, con số này sẽ giảm xuống còn 200 tấn”.

Không chỉ JiangXin Foundry, công nhân làm việc tại nhà máy này cũng đang sống chật vật với mức lương hàng tháng giảm xuống 3.000 nhân dân tệ do ca làm việc bị cắt giảm, giám đốc sản xuất này cho biết. Năm ngoái, công nhân của JiangXin Foundry kiếm được tới 8.000 nhân dân tệ trong những tháng sản xuất cao điểm.

“Khách hàng lớn nhất của chúng tôi là chi nhánh ở Trung Quốc của một công ty thang máy Nhật Bản. Chúng tôi đề xuất tăng giá bán 15% cho các đơn đặt hàng mới của các công ty hạ nguồn. Nhưng họ vẫn chưa trả lời”, Huo cho biết.

Tình hình cũng không khả quan hơn là mấy đối với công ty Bangzhan Construction Formwork ở Quảng Đông. Giám đốc bán hàng của công ty cho biết giá nhôm đã tăng lên hơn 20.000 nhân dân tệ/tấn trong vòng hai tuần đầu tháng 5, từ mức khoảng 15.000 nhân dân tệ/tấn hồi đầu năm nay.

“Các nhà sản xuất Trung Quốc không dám sản xuất hàng loạt như bình thường nữa. Việc nhận đơn hàng mới có rủi ro rất lớn khi giá nguyên liệu đầu vào quá cao”, người này chia sẻ.

Các nhà sản xuất đồ gia dụng tại Quảng Đông cũng tạm dừng sản xuất ở nhiều mức độ khác nhau do lo ngại về lạm phát.

“Giá nguyên liệu thô, từ kim loại, vỏ nhựa, đồng tới chip, tăng mạnh đã ăn mòn lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp thượng và hạ nguồn trong toàn ngành của chúng tôi”, Zheng Leqiang, người điều hành nhà máy sản xuất thiết bị nhà bếp ở Zhongshang, Quảng Đông, nói. Theo Zhang, các nhà cung cấp đều tăng giá nên ông phải tăng giá theo và chuyển phần chi phí tăng thêm cho các khách hàng ở hạ nguồn.

“Tuy nhiên, nhu cầu trong nước ở Trung Quốc hiện vẫn yếu ớt nên doanh số bán thiết bị nhà bếp cũng ở mức thấp, dẫn tới rất khó để các doanh nghiệp hạ nguồn có thể tăng giá trên thị trường tiêu dùng”.

Hiện tại, công ty của Zheng đang phải vật lộn để phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vì nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ngại chi tiền mua các thiết bị gia dụng và tân trang nhà cửa. “Kết quả là ngành công nghiệp này tạo ra lợi nhuận bằng 0 và nhiều nhà máy sản xuất đồ gia dụng quy mô nhỏ, đặc biệt là những nhà máy có dưới 100 công nhân, phải đóng cửa trong tháng qua”.

Cả Zheng và Huo đều nói rằng hy vọng duy nhất của họ là chính phủ trung ương sẽ can thiệp để kiềm chế đà tăng của giá nguyên liệu thô. Còn hiện tại, họ không thể làm gì khác ngoài việc tạm dừng các đơn hàng, cắt giảm hoặc sa thải nhân công.

Giá kim loại toàn cầu, như đồng, quặng sắt, kẽm, niken và nhôm, đã tăng vọt trong những tuần gần đây. Ví dụ, giá đồng chạm 10.000 USD/tấn, còn giá quặng sắt duy trì trên 200 USD/tấn. Kết quả, giá sản xuất tại nhà máy (PPI) của Trung Quốc trong tháng 4 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm qua (ở 6,8%), dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể ngăn cản chi tiêu tiêu dùng hơn nữa.

“Chỉ số PPI phụ đối với nguyên liệu thô đang đi theo xu hướng tăng của giá cả hàng hóa toàn cầu. Nói cách khác, Trung Quốc đang nhập khẩu lạm phát nguyên liệu thô”, công ty nghiên cứu TS Lombard nhận định.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm