Cục trồng trọt cảnh báo rủi ro đầu tư vào lan đột biến

Giao dịch lan đột biến được cho lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ thời gian qua mang tính dân sự thuận mua vừa bán

Nhiều giao dịch lan đột biến diễn ra không minh bạch, có thể khiến người đầu tư khuynh gia bại sản, theo lãnh đạo Cục trồng trọt.

Sáng 15/4, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đơn vị đang phối hợp với các nhà khoa học, viện nghiên cứu đưa ra cảnh báo với người dân về rủi ro trồng và kinh doanh “lan đột biến”.

“Giao dịch lan đột biến được cho lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ thời gian qua mang tính dân sự thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý không thể yêu cầu một giống hoa chỉ được bán với mức giá nào đó”, ông Cường nói. Tuy nhiên, ông nêu rõ lan đột biến hoàn toàn có thể nhân nuôi bằng biện pháp bình thường hoặc áp dụng khoa học công nghệ như nhân nuôi trong ống nghiệm. Do đó cây không mang tính chất độc bản, duy nhất.

Bông hoa lan phi điệp được cho là đột biến, được đặt tên năm cánh trắng Bạch Tuyết. Ảnh: V.T.
Bông hoa lan phi điệp được cho là “đột biến” và giới chơi lan đặt tên là “năm cánh trắng Bạch Tuyết”. Ảnh: V.T

“Các giao dịch lan đột biến hiện không minh bạch, giá trị sử dụng không rõ ràng. Tôi tin rằng chỉ một thời gian nữa hoa lan đột biến sẽ trở về với giá trị thực. Nếu không tỉnh táo thì rất nhiều người sẽ khuynh gia, bại sản”, ông Cường khuyến cáo và so sánh “cơn sốt” lan đột biến với phong trào nuôi chó Nhật ở Việt Nam cách đây 30 năm hay “bong bóng” hoa tuylip ở Hà Lan thế kỷ XVII.

Theo lãnh đạo Cục trồng trọt, để tránh rủi ro khi giao dịch, người dân nên làm hợp đồng, hóa đơn, đây sẽ là cơ sở để xử lý trong trường hợp xảy ra tranh chấp. “Cục trồng trọt không có thẩm quyền lập cơ quan thẩm định giá hoa lan. Tuy nhiên, Hội sinh vật cảnh Việt Nam hoặc hội hoa lan có thể đứng ra thẩm định, làm trọng tài”, ông Cường nói.

Hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp chỉ tập trung quản lý các loài cây trồng chính, như lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối, bởi những loại cây này có tác động lớn đến kinh tế – xã hội.

“Các cây trồng chính muốn được lưu hành phải thông qua khảo nghiệm, đáp ứng tiêu chuẩn về giá trị canh tác và sử dụng. Trong khi đó, lan đột biến không thuộc cây trồng chính nên lưu hành bình thường, không cần làm thủ tục công bố”, ông Cường giải thích thêm.

Theo lộ trình đề ra tại nghị định 94 hướng dẫn Luật trồng trọt, đến đầu năm 2023, các cá nhân, tổ chức buôn bán một giống cây không thuộc cây trồng chính (bao gồm lan đột biến) mới phải làm thủ tục công bố thông tin liên quan và chịu trách nhiệm về nội dung công bố. “Chúng tôi đang đề xuất áp dụng quy định này sớm hơn để góp phần minh bạch hóa các giao dịch liên quan đến cây trồng”, ông Cường nói.

Lan phi điệp được cho là đột biến ươm giống tại một nhà vườn ở huyện Yên Thủy, Hòa Bình. Ảnh: Tất Định.
Lan phi điệp được ươm giống tại một nhà vườn ở huyện Yên Thủy, Hòa Bình. Ảnh: Tất Định.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Viện phó Viện nghiên cứu Rau Quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết “lan đột biến là một cá thể hay một dòng hoa lan trong quần thể phong lan tự nhiên, bất ngờ có sự biến đổi khác biệt về kiểu dáng, màu hoa, kích thước lá, sắp xếp cánh hoa…so với các cây cùng loại”.

Ông nhận định, những cây lan được rao bán rầm rộ cả tỷ đồng thời gian qua “chưa chắc đã phải lan đột biến”; có thể cây lan đó là dạng biến dị sinh học, do tác động của môi trường, nhiệt độ, ánh sáng, hóa chất…không phải đột biến cấu trúc gen.

“Ngay cả lan đột biến cũng không hẳn đã di truyền ổn định. Ví dụ cây mẹ màu hoa thế này nhưng mang cây con sang vùng khí hậu khác lại biến đổi màu hoa thế kia, mùa hoa thứ nhất nở một kiểu, mùa sau lại nở kiểu khác. Để kiểm nghiệm lan đột biến di truyền ổn định, phải thử nghiệm ở ba vùng sinh thái khác nhau qua ba mùa hoa”, TS Đông cho hay.

Ngoài ra, theo ông, hiện nay lan đột biến có thể nhân giống bằng nhiều cách, khi số lượng cây ươm ra nhiều và dễ dàng, “giá thành chắc chắn sẽ giảm xuống”.

Dẫn chứng bài học từ phong trào chơi, kinh doanh cây sanh, lộc vừng từ hơn 10 năm trước, TS Đông nói “cây bị thổi giá lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Nhiều người vay vốn ngân hàng, thế chấp nhà để đầu tư, đến khi bong bóng xẹp đành để cây chết khô, chặt bỏ”.

Thời gian gần đây xuất hiện những cuộc giao dịch lan đột biến trên khắp cả nước, được livestreams rầm rộ, với số tiền thông báo lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng.

Quá trình nuôi trồng và giao dịch, tùy vào đặc điểm màu của cánh, mắt, lưỡi hoa, nhà vườn, địa điểm phát hiện, giới chơi cây đặt cho “lan đột biến” những cái tên như: Năm cánh trắng Phú Thọ, năm cánh trắng HO, Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước, Hồng Yên Thủy, Hồng Minh Châu…

Tại tỉnh Hòa Bình, trước hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa “lan đột biến” tiền tỷ trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng “có giải pháp phù hợp tuyên truyền, phổ biến, cảnh tỉnh để người dân hiểu đúng bản chất kinh doanh hoa lan đột biến, hạn chế rủi ro; xử lý những hành vi mua bán không hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền”.

Tấn Lam

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm