EU: Đông máu là tác dụng phụ của vaccine Johnson&Johnson

Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết lợi ích tổng thể của vaccine Johnson&Johnson lớn hơn rủi ro, cho rằng đông máu là tác dụng phụ “rất hiếm gặp” của vaccine này.

Hôm 20/4, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, họ đã tìm thấy “mối liên hệ có thể có” giữa vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson và sự phát triển của cục máu đông hiếm gặp ở một số ít người sau khi tiêm, nhưng kết luận rằng lợi ích tổng thể của mũi tiêm cao hơn rủi ro. Đồng thời, cảnh báo về các cục máu đông bất thường với lượng tiểu cầu trong máu thấp phải được thêm vào thông tin sản phẩm của vaccine Johnson &J ohnson.

EMA cho biết, tất cả các trường hợp đông máu đều xảy ra ở người lớn dưới 60 tuổi – chủ yếu là phụ nữ, trong vòng ba tuần sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson. Cơ quan này cho biết, những rối loạn máu hiếm gặp này nên được coi là “tác dụng phụ rất hiếm của vaccine Johnson & Johnson”.

Theo EMA, kết luận này được đưa ra sau khi xem xét các trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine Johnson &J ohnson. EMA cho rằng vẫn nên sử dụng vaccine Johnson & Johnson. Hồi tháng 3, EU đã phê duyệt vaccine Johnson & Johnson và nhận hàng vào ngày 19/4 nhưng hiện vẫn chưa bắt đầu triển khai tiêm loại vaccine này. 

Thông tin của EMA được đưa ra sau khi Johnson&Johnson tạm dừng việc triển khai tiêm một liều ở châu Âu theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). FDA cho biết, tạm dừng sử dụng vaccine Johnson & Johnson trong khi tiếp tục kiểm tra, đánh giá về các trường hợp đồng máu hiếm gặp.

Johnson & Johnson đã khuyến cáo các chính phủ châu Âu lưu trữ liều lượng vaccine của họ cho đến khi EMA ban hành hướng dẫn về việc sử dụng. Gã khổng lồ dược phẩm có trụ sở tại Mỹ này được cho là đã chuẩn bị để tiếp tục triển khai phân phối vaccine sau khi cơ quan này xem xét.

Công ty Johnson & Johnson cho biết, họ sẽ đặt mục tiêu cung cấp 55 triệu liều cho EU theo hợp đồng đã ký kết vào cuối tháng 6. Đây là một trong 4 loại vaccine COVID-19 được phép sử dụng trong EU.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm