Giá hàng hoá tăng cao đang mang lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia xuất khẩu kim loại, vốn đóng vai trò quan trọng cho sự hồi phục của toàn cầu hậu đại dịch. Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng không thể làm lu mờ những điểm yếu như số ca nhiễm Covid-19 cao và việc triển khai vắc-xin chậm trễ.
Giá quặng sắt và đồng đều đạt mức kỷ lục trong tuần này, khi các biện pháp kích thích hàng nghìn tỷ USD được triển khai trên toàn thế giới đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại. Đây là trường hợp đang lặp lại với các quốc gia xuất khẩu như Australia và Chile. Đây là những nước được hưởng lợi từ việc Trung Quốc và những nơi khác đang nỗ lực hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính hơn 1 thập kỷ trước.
Mức giá cao hơn giúp nguồn thu ngân sách từ thuế của các quốc gia sản xuất hàng hóa tăng lên. Theo đó, khoản tiền này có thể được sử dụng để chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe và các biện pháp hỗ trợ kinh tế khác cần thiết để ứng phó với đại dịch.
Nhờ đi vay ít hơn, các quốc gia này có thể có sự phòng bị hiệu quả hơn với những cú sốc kinh tế trong tương lai. Giá hàng hóa cao hơn có thể còn là động lực cho TTCK của quốc gia đó và thúc đẩy lợi nhuận cho các công ty khai thác như BHP Group và Rio Tinto, từ đó họ sẽ tăng cổ tức.
Các nhà sản xuất dầu, từ Mỹ, Nga cho đến các quốc gia Trung Đông, có thể được hưởng lợi từ xu hướng tương tự. Dù giá dầu không ở gần mức cao kỷ lục, nhưng cũng tăng lên trong thời gian gần đây khi có nhiều dự báo lạc quan về nhu cầu nhờ tốc độ triển khai vắc-xin và hạn chế đi lại được nới lỏng. Trong năm nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 30%.
Tuy nhiên, các chính phủ đặt cược vào nguồn thu duy trì từ giá hàng hoá tăng cao để tăng chi tiêu ngắn hạn sẽ dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu mức giá đi xuống. Sự bùng nổ của giá hàng hóa cũng có nguy cơ gây lạm phát trên toàn thế giới. Do đó, các nhà hoạch định chính sách có thể cần can thiệp để ngăn chặn nguy cơ xảy ra bong bóng, bao gồm cả việc tăng lãi suất ngay cả khi nền kinh tế hồi phục yếu.
Song, Australia – quốc gia chiếm hơn 50% lượng xuất khẩu quặng sắt toàn cầu, lại là một ví dụ cho thấy giá hàng hóa tăng nóng sẽ giúp họ hưởng lợi rất lớn. Hôm thứ Ba, Australia công bố mức thâm hụt ngân sách dự báo trong 12 tháng tính đến tháng 6 là 161 tỷ AUD (126 tỷ USD). 6 tháng trước đó, mức dự kiến là 200 tỷ AUD.
Tình hình tài chính được cải thiện có nhân tố chính là dịch bệnh được kiểm soát khá chặt chẽ, khi ghi nhận chưa đến 30.000 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, cùng với đó là tác động của việc trợ cấp lương cho người lao động. Nhưng giá quặng sắt tăng lên mức kỷ lục 233,10 USD/tấn hôm thứ Tư, khi các nhà máy thép của Trung Quốc đặt mua nhiều hơn, cũng đóng vai trò quan trọng.
Kế hoạch chi tiêu của Australia trong 12 tháng tới được đưa ra dựa theo mức giá quặng sắt là 55 USD/tấn. Theo ước tính của George Tharenou – nhà kinh tế tại UBS, nếu quặng sắt tiếp tục duy trì ở mức 230 USD/tấn, thì Australia sẽ có thêm 15,5 tỷ USD vào ngân sách mỗi năm. Điều này sẽ làm giảm tác động của việc đóng cửa biên giới và chương trình tiêm chủng chưa được khai thác mạnh.
Ngoài ra, giá quặng sắt tăng cũng giúp giảm áp lực từ căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã áp đặt một loạt lệnh hạn chế nhập khẩu và thuế quan đối với các sản phẩm của Australia bao gồm lúa mạch và thịt bò. Động thái được đưa ra sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vì phụ thuộc vào quặng sắt từ Australia, nên Bắc Kinh sẽ không nhắm đến mặt hàng này.
World Bank dự báo giá kim loại sẽ tăng gần 30% trong năm nay, sau đó giảm vào năm 2022 khi đà tăng trưởng được thúc đẩy bởi các gói kích thích giảm bớt và tình trạng hạn chế về nguồn cung được giải quyết. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết việc phụ thuộc nhiều vào các chương trình kích thích có khả năng sẽ tiếp tục đẩy giá kim loại, bao gồm nhôm, đồng và quặng sắt, tăng lên.
Ngoài ra, giá hàng hóa tăng cũng có thể là một thách thức đối với các quốc gia phải nhập khẩu dầu, khí đốt hoặc kim loại. Và ngay cả đối với các nước sản xuất loại hàng hóa này, mức giá cao hơn không phải lúc nào cũng là một giải pháp khắc phục nhanh chóng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, nền kinh tế Brazil đã gặp khó khăn trong đợt bùng phát của dịch bệnh trong thời gian gần đây, dù là nước xuất khẩu quặng sắt lớn.
Một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa đang chứng kiến sự hồi phục của nền kinh tế. IMF dự đoán, kinh tế Chile sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm nay, nhờ xuất khẩu được hưởng lợi từ giá đồng cao hơn và sự hồi phục mạnh mẽ ở các nước phát triển và Trung Quốc. Giá đồng đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua, đạt mức cao chưa từng có là 4,7785 USD/pound trên sàn Comex hôm thứ Ba.
Xu hướng tăng của hàng hóa diễn ra đồng thời với tiến độ nhanh chóng trong chiến dịch tiêm vắc-xin của Chile, dù gần đây số ca đã tăng trở lại có thể là do mở cửa quá sớm. IMF cho biết, cả diễn biến của giá đồng và đại dịch đều tiềm ẩn rủi ro đối với dự báo, dù tốc độ tiêm vắc-xin nhanh chóng của Chile có thể giúp kiềm chế rủi ro liên quan đến đại dịch.
Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, giá hàng hóa xuất khẩu cao hơn chỉ là một “vận may nhất thời” khi họ phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và sức khỏe do đại dịch. Ở phần lớn châu Phi và Nam Mỹ, tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn ở mức cao và tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp.
Hoạt động kinh tế ở Brazil – quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 2 thế giới về khối lượng, đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây do chính quyền địa phương và quốc gia cần có những biện pháp quản lý gắt gao hơn khi số ca nhiễm đạt mức cao kỷ lục.
Cơ quan thống kê của Brazil cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp đã giảm 2,4% trong tháng 3 so với 1 tháng trước. Tuần trước, NHTW nước này cũng tăng lãi suất cho vay khi nỗ lực kiềm chế lạm phát và báo hiệu đợt tăng khác dù nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục.
Tham khảo Wall Street Journa