Ngoại giao Made-in-China kỳ 2: Người Mỹ đang lùn đi, người TQ đang cao lên và hiệu ứng từ “nhất cử nhất động” của Washington

Gần như bất cứ sự kiện nào ở Mỹ - một cuộc biểu tình, một đợt phong tỏa, một chương trình kích thích kinh tế - đều tạo hiệu ứng gợn sóng lập tức tới một nơi nào đó ở Trung Quốc.

Bằng các chuyến đi thực địa ở Trung Quốc và các cuộc phỏng vấn với doanh nhân, cùng quá trình thu thập dữ liệu thương mại, tác gia Peter Hessler đã có bài phân tích đáng chú ý về quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch. Dưới đây là lược dịch phần II bài viết của ông.

Tới quý II năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại. Tháng 7, xuất khẩu tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, và tôi đi một chuyến dài khắp Chiết Giang – một trong những trung tâm giao thương với nước ngoài.

Đa phần các doanh nhân tôi gặp ở đó đều nói rằng: Họ bất ngờ khi thấy doanh thu bật vọt trở lại nhanh chóng tới vậy. Họ cũng khẳng định bản thân không hề chịu nhiều ảnh hưởng từ thương chiến với Mỹ.

Một số nhà xuất khẩu quy mô nhỏ nói với tôi rằng họ đã khai giảm giá trị hàng hóa để tránh thuế nhưng số khác cho là cách này quá mạo hiểm với những vụ kinh doanh lớn. Nhìn chung, họ đã chuyển ít nhất một phần chi phí sang cho người tiêu dùng Mỹ, và chính phủ Trung Quốc lâu nay vẫn có chính sách giảm thuế cho các đơn vị xuất khẩu.

01.

Đổi múi giờ, thay hình thức vận tải

Ở thành phố duyên hải Ngọc Hoàn, tôi gặp một người phụ nữ chuyên quản lý mảng thương mại nước ngoài cho một công ty sản xuất phụ tùng ô tô. Cô này cho hay, khách hàng Mỹ yêu cầu ký thỏa thuận cấm tiết lộ tên công ty của họ trên trang web:

“Chúng tôi không thể công khai tuyên bố mình làm ăn với công ty Mỹ đó. Họ không muốn mọi người biết họ nhập phụ tùng từ Trung Quốc”.

Cô không còn phải đi công tác nước ngoài nhưng thiếu các cuộc tiếp xúc cũng không thành vấn đề. Kể cả ở Nghĩa Ô, căn cứ của thị trường bán buôn lớn nhất Trung Quốc, người ta cũng thích nghi rất nhanh chóng.

Nghĩa Ô vốn là nơi cư trú của hàng nghìn người nước ngoài, giờ cảm giác như bị bỏ hoang. Trên một con phố, tôi đi qua tới 10 nhà hàng Ấn Độ bị đóng cửa. Gần đó, dọc cả dãy công ty vận tải chuyên trách thương mại Nga, Trung Á, chỉ có 1 văn phòng mở cửa. Ông chủ Mao Yuankui cho hay, đại dịch đã khiến giờ làm việc thay đổi.

“Họ đóng cửa vào buổi sáng, bởi lúc đó vẫn còn quá sớm ở Nga”, Mao nói, “Chúng tôi chủ yếu liên lạc qua điện thoại và WeChat. Khách hàng không tới tiệm nữa”.

Mao chuyên vận chuyển hàng tới Uzbekistan, Kazakhstan, và Nga. Thông thường, ông chuyển các đơn hàng gấp bằng đường không nhưng lịch bay đã bị hủy. Trước đại dịch, Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đã đầu tư vào tuyến vận tải bằng tàu hỏa dài nhất thế giới, chạy hơn 8000 dặm từ Nghĩa Ô qua Trung Á tới Madrid (Tây Ban Nha).

Mao cho hay, giờ ông sử dụng tàu để chuyển phần nhiều hàng hóa.

Trong giai đoạn đại dịch, mức dỡ hàng tăng và lưu lượng không tương xứng: Cứ 3 kiện hàng rời Trung Quốc thì chỉ 1 kiện quay trở lại, bởi khu vực xuất khẩu ở nhiều nước đã bị giảm mạnh.

Mao nhắn tôi quay trở lại lúc tối muộn ngày hôm đó để xem khu này vận hành. Khi tôi quay trở lại, các văn phòng đã sáng đèn. Bên trong các nhân viên tất bật nghe điện thoại, gõ máy tính, tất cả đều làm việc theo múi giờ Trung Á.

02.

Bức tranh thế giới nhìn từ chợ Nghĩa Ô

Trẻ con nô đùa trước tiền sảnh rộng lớn của chợ bán buôn Nghĩa Ô, nơi làm ăn của hàng trăm nghìn thương nhân với diện tích gấp gần 10 lần Lầu Năm Góc. Tôi đã từng tới đây khi khu này đông đúc các thương gia nước ngoài nhưng giờ thì vắng tới mức nhiều nhà buôn Trung Quốc đem con em tới nghỉ hè.

Hầu hết các thương nhân ở đó chỉ bán buôn riêng từng mặt hàng. Chẳng có gì thảm hơn khu bán vali kéo. Những người kinh doanh đồ du lịch không gặp may ở thời điểm này nhưng việc làm ăn lại nở rộ với những ai trữ đèn làm móng LED cho khách hàng muốn làm nail tại gia.

Đây cũng là năm thuận lợi để bán bình nhựa vòi ấn vì người ta dùng nhiều để đựng nước sát trùng tay. Xe đạp còn chẳng có hàng để mà cất trong kho, người bán trụ đấm bốc thì khoe doanh thu tăng gấp đôi.

Ngoại giao Made-in-China kỳ 2: Người Mỹ đang lùn đi, người TQ đang cao lên và hiệu ứng từ nhất cử nhất động của Washington - Ảnh 2.

Khẩu trang được bày bán ở chợ bán buôn Nghĩa Ô. Ảnh: Guligo Jia / The New Yorker

Một khu vực lớn trên tầng hai mới được thửa làm chỗ cho những người kinh doanh đồ bảo hộ cá nhân P.P.E. Rất nhiều người trong số họ từng sản xuất đồ chơi hoặc trang sức trước đại dịch. Những người này cho biết, với những sản phẩm nhỏ như vậy thì tương đối dễ sắp xếp lại dây chuyền sản xuất và đào tạo công nhân.

Shi Gaolian có một xưởng sản xuất vòng tay nhưng rồi chị quyết định chuyển đổi sản phẩm, giờ Shi xuất khẩu 2-3 triệu khẩu trang y tế mỗi tháng. Chị không lo tới khả năng P.P.E chỉ là việc làm ăn ngắn hạn. “Ít nhất phải mất 2 năm thế giới mới kiểm soát được (đại dịch)”, Shi nói, “Sau đó tôi sẽ tìm cái khác để sản xuất thôi”.

Trên cùng tầng, nhiều thương nhân đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Mỹ. Quầy bán mũ bóng chày trữ đầy mũ MAGA (chiếc mũ đỏ với khẩu hiệu đặc trưng của ông Trump “Make America Great Again) và nhiều nhà sản xuất cờ đang nhận đơn may khẩu hiệu Trump với Biden.

Tôi trò chuyện với Li Jiang, một thương nhân trung tuổi bước vào nghề năm 1995 bằng việc sản xuất khăn quàng đỏ cho thiếu niên.

Năm 1997, Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc làm dấy lên làn sóng ái quốc dẫn tới nhu cầu mua quốc kỳ, nên Li mở rộng dây chuyền sản xuất. Sau đó 4 năm là vụ tấn công 11/9, Li sản xuất quốc kỳ Mỹ. Đó là dấu mốc Li bước chân vào thị trường quốc tế và kể từ đó, việc kinh doanh của ông chủ yếu được định hình bởi các sự kiện xảy ra ở nước ngoài.

Hôm tôi tới chợ bán buôn Nghĩa Ô, Li vừa bán vài nghìn lá cờ Trump. “Có người muốn thì chúng tôi làm”, Li nói.

Rời Nghĩa Ô, tôi dừng chân tại Johnin, một xưởng sản xuất cờ lớn ở Thiệu Hưng. Jin Gang, quản lý của Johnin dẫn tôi đi thăm xưởng.

Trên dây chuyền sản xuất, hàng chục phụ nữ đang ngồi trước máy may để làm những lá cờ có chữ “Bắc Dakota ủng hộ Trump”, “Trump 2020” và “Trump 2024”. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, mọi thứ dường như đều bắt đầu ở Trung Quốc và giờ tôi tự hỏi phải chăng Johnin biết điều gì đó mà tôi thì không?

“Đó là hàng họ đặt”, Jin nói khi tôi thắc mắc về các khẩu hiệu 2024, “Tôi đoán là họ nghĩ ông ấy sẽ làm Tổng thống một lần nữa”.

Trong cuộc vận động bầu cử 2016, Johnin bán được từ 2-3 triệu lá cờ Trump, ở mức khoảng 1 USD/lá. Còn tại thời điểm 4 tháng trước bầu cử 2020, các sản phẩm liên quan đến Trump chiếm tới 70% lượng hàng mà Johnin sản xuất.

Nhìn chung, đại dịch có tác động tiêu cực tới Johnin bởi những sự kiện ưa dùng cờ như giải bóng đá châu Âu bị hoãn. Nhưng cũng có một số thời điểm rải rác nhu cầu tăng vọt. Hồi tháng 6/2020, sau cái chết của George Floyd, Johnin nhận được rất nhiều đơn hàng đặt cờ cảnh sát kẻ xanh. Ngay sau đó thì lại có nhu cầu cờ bang Mississippi.

Jin đã quen với việc sản xuất cờ cho cả 2 phía trong cuộc bầu cử, các trận đấu thể thao và nhiều sự kiện khác nên chuyện này cũng hợp lẽ: Bên ủng hộ cảnh sát thì mua cờ kẻ xanh, còn bên biểu tình thì muốn xài cờ Mississipi.

Jin không thích Trump nhưng anh cũng chẳng lo lắng gì về kỳ bầu cử. “Sau bầu cử, chúng tôi sẽ may cờ cho ai đó”, Jin nói, “Người Mỹ lúc nào chẳng chuộng cờ”.

03.

Đại dịch kéo dài ở Mỹ có lợi cho doanh nhân Trung Quốc?

Đầu tháng 7, Li Dewei nói với tôi rằng anh và đối tác đã từ bỏ kế hoạch kinh doanh ở thị trường Trung Quốc. “Đầu tư quá cao”, Li nói, “Và cạnh tranh trong nước quá khốc liệt”.

Li cũng kết luận rằng căng thẳng Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ không tác động tới việc kinh doanh của Kimzon. Chính quyền Trump thường xuyên trách cứ Trung Quốc vì cách xử lý đại dịch ở thời điểm đầu nhưng dường như không hề có phản ứng ngược nào từ phía người tiêu dùng.

Ngoại giao Made-in-China kỳ 2: Người Mỹ đang lùn đi, người TQ đang cao lên và hiệu ứng từ nhất cử nhất động của Washington - Ảnh 3.

Trong vòng 3 tháng, quan điểm về rủi ro của Li hoàn toàn đảo ngược: Giờ anh tin rằng việc đại dịch kéo dài ở Mỹ có lợi cho hoạt động kinh doanh của mình. “Nhiều doanh nghiệp đóng cửa”, Li nói, “Người ta sợ đi mua sắm vì dễ bị nhiễm bệnh nên họ mua hàng qua mạng”.

Ngay cả nhận xét trên Amazon về sản phẩm cũng cho Li biết gió đang thổi chiều nào. Ngày 14/5, 5 sao: “Tôi mua giày để sử dụng trong công việc, chuyển hàng cho một công ty đặt hàng trực tuyến. Tới giờ thì vẫn tốt đối với ca làm việc 10 tiếng đồng hồ”.

Theo phát ngôn viên của Amazon, công ty này đã tuyển hơn 400.000 nhân viên trên toàn thế giới kể từ thời điểm đầu của dịch bệnh.

Tại Thượng Hải, tôi gặp một nhân viên làm trong mảng quảng cáo cho Amazon và cô này cho biết, phòng quảng cáo của cô đã phải tăng gấp đôi nhân sự trong năm ngoái. Theo lời của cô, các doanh nhân Mỹ có vẻ ám ảnh với chuyện làm thương hiệu (branding).

“Anh muốn có một câu chuyện thật hay về tên thương hiệu để thuyết phục khách hàng”, cô nói, “Ở Trung Quốc thì ngược lại. Họ bán hàng trước. Và sau đó mới nghĩ tới thương hiệu”.

Zack Franklin, một tư vấn viên người Mỹ đã làm việc nhiều năm với các nhà bán hàng của Amazon ở Thâm Quyến cho hay các doanh nhân Trung Quốc đã tìm ra một cách khác để tăng quy mô kinh doanh của mình. Ngoài việc mở rộng các dòng sản phẩm hoặc tìm kiếm thị trường mới, họ đơn giản chỉ bán cùng một thứ tại cùng một nơi dưới nhiều tên gọi khác nhau.

“Anh muốn chiếm càng nhiều chỗ trên kệ càng tốt”, Franklin nói, “Chỉ lấy một nhãn hiệu khác. Bạn kiếm tiền nhờ ảo tưởng về sự lựa chọn”. Anh giải thích, để đăng ký nhãn hiệu thì cần đăng ký thương hiệu, nên người Trung Quốc ào ạt nộp đơn lên Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ.

Li Dewei đã đăng ký khoảng 70 nhãn hiệu và một số đơn của anh do công ty luật Ni, Wang & Massand ở Dallas xử lý. Hao Ni, một trong số các nhà sáng lập công ty nói với tôi rằng mỗi tháng hãng luật này đại diện cho các khách hàng Trung Quốc xử lý từ 80-100 đơn đăng ký nhãn hiệu.

Theo Ni, người Trung Quốc thường chọn các tên kỳ lạ bởi những đơn đăng ký ấy có xu hướng được chấp thuận nhanh hơn. USPTO có thể từ chối những cái tên quá tương đồng với một nhãn hiệu phổ biến.

Ni đã xử lý đơn cho nhãn hiệu mới nhất của Li Dewei, Pemily 12. Hôm 12/7, Li cho tôi xem trang web mới mà anh đang lập. Lần này anh hy vọng có thể qua mặt Amazon và bán trực tiếp cho khách hàng. Tuy nhiên tên sản phẩm vẫn sử dụng Amazonglish: Đồ chơi cho Chó cưng Thức ăn cho Chó Bóng cho Chó. Nhãn hiệu có lời giới thiệu thế này:

Vì sao lại là Pemily?

Đây là sự kết hợp của gia đình thú cưng.

Vì sao lại là 12?

12 = 12 tháng = 1 năm = mãi mãi

Vì sao lại là Pemily12?

Pemily12 mang nghĩa chúng ta sẽ mãi là một gia đình.

Hồi đầu đại dịch, Li chú ý thấy trên Google Trends, rất nhiều người Mỹ tìm kiếm các sản phẩm liên quan tới từ “pet” (thú cưng). “Quần áo cho thú cưng”, Li nói, “Đồ chơi cho thú cưng. Sức khỏe thú cưng”. Li đã bắt tay với một người bạn sản xuất các phụ kiện thú cưng ở Thâm Quyến. Họ tin rằng quần áo cho thú cưng là mảng đặc biệt hứa hẹn.

Tôi hỏi Li liệu có căng thẳng khi phải đưa ra quá nhiều quyết định trọng đại trong những tháng gần đây không thì anh nhún vai – tới giờ, anh chỉ đơn giản phản ứng với tình hình. “Thị trường quyết định cho chúng tôi”, anh nói, “Không phải chúng tôi là bên quyết định”.

Các đơn đặt giày từ Mỹ vẫn gia tăng và hiện nay Kimzon chuyển đi khoảng 3.000 đôi mỗi ngày. “Gần đây chính phủ Mỹ đang gửi thêm tiền [cho người dân]”, Li nói.

Tôi nói với Li rằng anh nhầm rồi – vẫn chưa có chương trình kích thích kinh tế thứ hai đâu. Nhưng anh thề là tiền của chính phủ đã đến tay người tiêu dùng Mỹ, anh có thể nhìn thấy điều đó qua lượng hàng tiêu thụ và nhiều doanh nhân khác cũng nhận định tương tự.

Tới hôm sau, tôi nhận được e-mail từ người đang sống tại nhà của chúng tôi ở Colorado. Cô gửi cho tôi danh sách những thứ được nhét vào hòm thư của chúng tôi, trong đó có một tấm thẻ ghi nợ của Đạo luật CARES (Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế Coronavirus liên bang) đề “Ảnh hưởng Kinh tế”. Đó là khoản tiền 3.400 USD.

Lúc đó tôi mới biết trong vài tuần qua chính phủ đã gửi thẻ ghi nợ tới những người bỏ lỡ hồi tháng 4/2020, thường là vì thông tin ngân hàng không có trong hồ sơ. Tôi đã băn khoăn vì sao mình không nhận được séc kích thích kinh tế nhưng vì quá bận rộn với cuộc sống ở Trung Quốc nên không đi tìm hiểu.

Hóa ra Zocavia và Zocania có thể cập nhật cho tôi về lịch trình cứu trợ của chính phủ Mỹ.

Gần cuối tháng 7/2020, người bạn Mỹ duy nhất còn lại ở Thành Đô của con gái tôi rời đi. Phần lớn người Mỹ đã sơ tán từ hồi tháng 1, tháng 2 và khi thời gian trôi qua, tình trạng cách ly khiến một số ít gia đình ở lại thấy khó khăn hơn. Vào một mùa hè bình thường, chúng tôi sẽ về thăm Colorado nhưng lúc ấy, nếu rời Trung Quốc thì chúng tôi không thể quay trở lại.

Hồi làm tình nguyện viên của Peace Corps, tôi đã không về Mỹ suốt 2 năm và có vẻ trải nghiệm đó đã lặp lại.

Thế nhưng, Tứ Xuyên của những năm 1990 vẫn còn khá xa xôi hẻo lánh, giao thương với Mỹ như ở một thế giới khác; suốt 2 năm ở đó tôi không hề thấy McDonald’s.

Tới năm 2020, hơn 70.000 công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc. Trong khi đó, người Trung Quốc đang sản xuất phần lớn đồ bảo hộ P.P.E và nhiều sản phẩm khác được người Mỹ tiêu thụ trong kỳ đại dịch.

Ngoại giao Made-in-China kỳ 2: Người Mỹ đang lùn đi, người TQ đang cao lên và hiệu ứng từ nhất cử nhất động của Washington - Ảnh 4.

Gần như bất cứ sự kiện nào ở Mỹ – một cuộc biểu tình, một đợt phong tỏa, một chương trình kích thích kinh tế – đều tạo hiệu ứng gợn sóng lập tức tới một nơi nào đó ở Trung Quốc.

Tình trạng phân ly được nhìn nhận như một tiến trình kinh tế tất yếu nhưng các mối liên kết về thị trường thì mạnh hơn bao giờ hết: Năm 2020, thương mại Mỹ-Trung tăng gần 9%.

04.

“Người Mỹ đang lùn đi”

Ngày 24/6, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô và trục xuất toàn bộ các nhân viên Mỹ còn lại. Đó là sự đáp trả của người Trung Quốc trước những động thái của chính quyền Trump sau khi Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston với cáo buộc do thám.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tôi rằng chuyện người Trung Quốc do thám ở Houston thì không phải bàn cãi nhưng phản ứng của Mỹ đáng ra có thể bớt thất sách hơn.

Ở Thành Đô, sau thông báo về lãnh sự quán, tôi đạp xe tới khu vực ấy vài lần mỗi ngày. Lãnh sự quán được canh gác dày đặc nhưng tới ngày thứ hai thì lượng lớn người dân bắt đầu xuất hiện, để chụp ảnh trước tòa nhà.

Tôi còn nghe thấy người ta bảo nhau nhanh chụp ảnh để còn đi sang Dujiangyan, một địa điểm du lịch ở ngoại thành. Những người này từ Ôn Châu tới Thành Đô du lịch, hay tin lãnh sự quán sắp đóng cửa nên đã đưa vào lịch trình thăm viếng của mình.

Bên trong khu lãnh sự thời điểm đó, người Mỹ đang tiến hành “kế hoạch hủy tài liệu”. Bắc Kinh cho họ chính xác 72 giờ, cùng thời lượng mà Washington cho người Trung Quốc ở Houston.

Tòa nhà cao nhất của lãnh sự quán Thành Đô là một tòa nhà 6 tầng. Khi mở cửa năm 1994, nó là công trình cao nhất trong khu vực này, kế bên bờ tường là cánh đồng lúa. Lần đầu tiên tôi tới đây, năm 1996, thành phố đã bắt đầu phát triển xung quanh lãnh sự quán. Hai thập kỷ sau đó, những tòa nhà 20 tầng áp 3 bề lãnh sự quán.

Đây chính là phiên bản kiến trúc về trải nghiệm tại lớp học của tôi: Tương tự, người Mỹ đang lùn đi.

Ai đó trong lãnh sự quán nảy ra ý tưởng tới hiệu in ấn trong thành phố để làm một số biểu ngữ, trong đó có cái đề “Ganxie Chengdu” – Cảm ơn, Thành Đô. Họ cho rằng điều này sẽ gửi một thông điệp đường hoàng tới người xem nhưng họ sợ nhân viên lãnh sự bị theo dõi nên đã gửi một nữ thường dân đi đặt hàng

Thế nhưng, ngay khi các biểu ngữ được làm xong thì hơn 10 nhân viên an ninh ập tới bắt giữ người này. Khi chị được trả tự do sau 7 giờ thẩm vấn thì không còn thấy số biểu ngữ kia đâu nữa.

Cuối cùng, người Mỹ đã kết thúc quá trình hủy tài liệu trước thời hạn. Rạng sáng ngày thứ ba, những nhân viên ngoại giao cuối cùng ở lãnh sự quán Mỹ đã mở cửa lái xe đi. Tất nhiên, không ai từng thấy tấm biểu ngữ nào cả.

Ngày 25/9, Li Dewei nói với tôi rằng việc làm ăn vẫn rất tốt. Điều này là đúng với nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc: Trong quý III, nền kinh tế Trung Quốc tăng gần 5%. Li đã phải thuê thêm một số nhân viên mới.

Mỗi ngày trang web Pemily12 ghi nhận 4.000 lượt khách và doanh thu ngày ở vào khoảng vài nghìn USD. Li tin rằng tiềm năng phát triển rất tốt.

Nhiều doanh nhân chuyên mảng xuất khẩu như Li Dewei sử dụng VPN (Vitual Private Network – mạng riêng ảo), một trong những lỗ hổng trên tường lửa mà chính phủ Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ vì chúng quan trọng với kinh doanh.

Khi tôi tới Nghĩa Ô, cả khách sạn của tôi đều vào internet qua VPN để người mua có thể dùng Google, Facebook…

Từ quan điểm của chính phủ Trung Quốc, dường như họ không có nhiều động lực để mở cửa trở lại. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020 và sự ủng hộ của người dân đối với các chính sách thời đại dịch càng lúc càng mạnh mẽ hơn.

Chính phủ Trung Quốc đã thông qua 4 loại vaccine nội địa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhưng cho tới tháng 3/2021, quá trình tiêm chủng tập thể mới bắt đầu. Có lẽ Bắc Kinh đã chờ đợi xem tình hình bên ngoài diễn biến ra sao.

Họ có thể trì hoãn bởi tình trạng lây nhiễm ở Trung Quốc không lan rộng. Khi tôi trò chuyện với bạn bè và gia đình bên Mỹ, ai cũng nói tới chuyện vaccine nhưng đề tài này không phổ biến trong các cuộc hội thoại ở Trung Quốc.

Lớp học báo chí cuối cùng tôi dạy trong kỳ là vào ngày đầu năm mới. Tôi đã hỏi học trò một câu: Với bạn, năm 2020 tốt hay tệ?

Gần 70% số sinh viên của tôi cho rằng 2020 là một năm tốt đẹp. Nhiều người khác cũng tin như vậy. Li Dewei nói với tôi rằng Zocavia, Zocania và những nhãn hiệu giày dép khác có một mùa lễ tiêu thụ mạnh nhất từ trước đến giờ và tổng doanh thu cả năm đã tăng khoảng 15% so với 2019.

Với Pemily 12, Li tin rằng các sản phẩm làm đẹp cho thú cưng sẽ trở thành xu hướng. Khi chúng tôi gặp nhau vào đầu năm 2021, Li cho tôi xem ảnh sản phẩm lông mi giả dành cho chó. “Tôi vẫn chưa bắt đầu đâu”, Li nói, “Nhưng chúng tôi có thể thấy những người khác đang sản xuất sản phẩm này. Có lẽ 2-3 năm nữa, đây sẽ là thị trường lớn”.

Sau sự kiện náo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1, Jin Gang ở Thiệu Hưng ghi nhận lượng đơn đặt cờ Trump tăng vọt. Anh gửi cho tôi qua We Chat ảnh mấy mẫu thiết kế mới đang được sản xuất bởi dây chuyền Johnin: “Trump 2024: The Revenge Tour” (Trump 2024: Hành trình Báo thù) “Trump 2024: Take America Back,” (Trump 2024: Lấy lại nước Mỹ) và “Trump 2024: Save America Again!” (Trump 2024: Cứu nước Mỹ thêm lần nữa!)

Mỗi sáng thứ hai, con gái tôi đeo khăn quàng đỏ tới trường, như quy định đối với mọi học sinh khác ở Trung Quốc. Thi thoảng mọi người phàn nàn chuyện không thể về thăm Colorado và nhớ nhung con mèo nhà nuôi, hiện đang do người thuê nhà chăm sóc. Nhưng cuộc sống đó cảm giác đã xa xôi lắm.

Có những bức ảnh gia đình được chúng tôi treo ở cả hai ngôi nhà, và có những món đồ nội thất IKEA giống hệt nhau. Ở Colorado, chiếc xe Honda CR-V đen của chúng tôi đậu trong nhà kho; giờ chúng tôi mua thêm một chiếc khác ở Thành Đô. Chiếc CR-V mới này sản xuất ngay tại Vũ Hán.

Thậm chí, với dây chuyền sản xuất, đây cũng là một năm tốt đẹp. Honda ghi nhận lượng tiêu thụ xe ở Trung Quốc trong năm 2020 tăng 5% so với 2019. Chúng tôi gọi đó là chiếc xe Covid. Ở khuôn viên trường đại học, tôi đỗ nó ngay dưới hầm Viện Marx

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm