Nhiều NHTW trên thế giới đồng loạt nâng lãi suất

NHTW Nga trong ngày 17/12 là đợt nâng thứ 7 trong năm 2021, tăng 4.25 điểm phần trăm kể từ tháng 3

Các ngân hàng trung ương ở nhiều nước trên thế giới đang trong quá trình thắt chặt tiền tệ để chống lại lạm phát, mặc dù việc biến chủng Omicron đang lan rộng và đe dọa tới đà hồi phục của nền kinh tế.

Đợt nâng lãi suất từ NHTW Nga trong ngày 17/12 là đợt nâng thứ 7 trong năm 2021, tăng 4.25 điểm phần trăm kể từ tháng 3. Động thái này cho thấy sự nhanh chóng và quyết liệt của nhiều nước nghèo hơn trên thế giới khi đối phó với áp lực lạm phát. Trong khi đó, nhiều nước giàu có trên thế giới chỉ mới xem xét tới động thái nâng lãi suất. Điều này vẫn diễn ra ngay khi biến chủng mới Omicron đe dọa tới đà hồi phục của kinh tế toàn cầu.

“Biến chủng Omicron mang lại sự bất ổn lớn cho kinh tế thế giới”, Freya Beamish, Chuyên gia kinh tế tại TS Lombard, cho hay. “Chúng tôi nghĩ tác động lạm phát ở giai đoạn thích ứng về nguồn cung này có thể thấp hơn đáng kể so với các đợt dịch trước. Hiện nay, các ngân hàng trung ương dường như đang ngó lơ mối đe dọa này”.

Ngày càng nhiều NHTW đã hoặc đang xem xét nâng lãi suất. Tuy nhiên, các cuộc họp của NHTW trong tuần trước cho thấy sự khác biệt trong cách thức nhìn nhận về lạm phát và đà hồi phục mong manh của nền kinh tế. Hàng loạt NHTW ở khu vực Đông Âu và Mỹ Latinh đã nâng lãi suất, trong khi các NHTW ở Đông Nam Á lại giữ nguyên.

Tình hình có thể thay đổi trong năm 2022 vì các nền kinh tế đang phát triển thường khó mà làm trái với Fed – vốn vừa mới phát tín hiệu nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Các NHTW giữ nguyên lãi suất khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ có thể gặp nguy cơ đồng nội tệ mất giá và từ đó châm ngòi cho lạm phát khi giá hàng hóa nhập khẩu lên giá.

Bên cạnh đó, Mexico, Chile, Costa Rica, Pakistan, Hungary và Armenia đã đều nâng lãi suất trong tuần trước. Nhiều trong số này phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2022.

NHTW Nga cho biết họ lo ngại áp lực lạm phát chủ yếu xuất phát từ đà tăng của giá thực phẩm và năng lượng, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Áp lực lạm phát có thể tăng tiếp trong thời gian tới, họ nhận định.

“Tác động từ các yếu tố về phía cung đang thúc đẩy giá của hàng loạt hàng hóa và dịch vụ khi kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn còn cao”, NHTW Nga cho biết.

Mối quan ngại này cũng xuất hiện ở các nước giàu có. Lạm phát tăng mạnh cũng là lý do nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong ngày 16/12. BoE cũng là NHTW lớn đầu tiên nâng lãi suất trở lại kể từ khi đại dịch Covid-19 ập tới. Trong khi đó, Fed cũng đẩy nhanh quá trình giảm mua tài sản để dọn đường cho việc nâng lãi suất trong năm 2022.

* Đi ngược với Fed và BoE, NHTW châu Âu dự báo không nâng lãi suất trong năm 2022

* Fed mạnh tay giảm tốc độ mua trái phiếu, dự báo nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022

Các NHTW lớn nâng lãi suất chậm hơn các nền kinh tế đang phát triển vì 2 lý do. Đầu tiên, họ nhận thấy các hộ gia đình đặt niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát của NHTW trong quá khứ, trong khi các cơ quan tiền tệ ở nhiều nền kinh tế đang phát triển chưa xuất hiện niềm tin đó. Thứ hai, các hộ gia đình ở các quốc gia nghèo hơn chi nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm, như thực phẩm và năng lượng – vốn là những mặt hàng tăng mạnh nhất. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhanh chóng để “dập” lạm phát.

Thậm chí các nền kinh tế đang phát triển cũng có sự khác biệt. Trong các cuộc họp tuần trước, NHTW ở Indonesia, Philippines, Ai Cập, Mauritius và Đài Loan đều giữ nguyên lãi suất.

Các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước châu Á ít lo ngại về lạm phát hơn, vì họ chứng kiến ít sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hơn các nước lớn và cũng không quá lo ngại về tình trạng tiền lương tăng mạnh vì thiếu nhân công.

Nhiều nước đang vun vén cho đà hồi phục vốn rất mong manh giữa sự bùng phát của dịch bệnh. Đối với họ, biến chủng Omicron có thể là mối đe dọa mới cho đà hồi phục mong manh này.

“Có nguy cơ đà hồi phục kinh tế bị chững lại vì sự xuất hiện của biến chủng mới cũng như khả năng điều kiện tài chính bị thắt chặt trên toàn cầu”, NHTW Philippines cho biết trong ngày 16/12. “Do đó, việc duy trì sự hỗ trợ về chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong vài quý tới”.

Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng phần lớn NHTW châu Á – ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc – nâng lãi suất trong năm 2022 vì lo ngại dòng vốn sẽ chuyển sang Mỹ khi Fed nâng lãi suất. Diễn biến gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại tín hiệu cảnh báo cho các nước châu Á. Sau nhiều lần giảm lãi suất, đồng Lira lao dốc gần 50% so với USD và lạm phát phát tăng vọt.

“Các NHTW châu Á – trừ Trung Quốc – sẽ nâng lãi suất ở mức độ tương tự với Fed trong năm 2022”, các chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, cho hay. “Chẳng phải ngẫu nhiên mà sự ổn định tiền tệ trở thành mối quan ngại chính sách lớn trong năm 2022”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm