NHTW Trung Quốc bơm 14 tỷ USD khi cú sốc Evergrande làm rối thị trường

NHTW Trung Quốc bơm 14 tỷ USD khi cú sốc Evergrande làm rối thị trường

Trung Quốc đẩy mạnh bơm tiền vào hệ thống tài chính trong một dấu hiệu cho thấy các cơ quan chức trách muốn xoa dịu tâm lý thị trường vốn đang nặng trĩu vì cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn China Evergrande và nhu cầu vốn vào cuối quý.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bơm 90 tỷ Nhân dân tệ (14 tỷ USD) thông qua cơ chế hợp đồng repo kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày trong ngày 19/09, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Đây là lần đầu tiên trong tháng 9 NHTW bơm hơn 10 tỷ Nhân dân tệ thanh khoản ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng trong 1 ngày.

Hoạt động bơm vốn còn diễn ra khi cuộc khủng hoảng tại tập đoàn nặng nợ Evergrande làm dấy lên nỗi lo về tình hình của thị trường bất động sản và tín dụng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Càng gây thêm căng thẳng là nhu cầu tiền mặt đột biến theo mùa khi ngân hàng hạ mức sẵn lòng cho vay vào cuối quý vì phải chuẩn bị cho đợt kiểm tra về quy định từ cơ quan chức trách. Thanh khoản cũng thường suy giảm vào thời điểm này trong năm, trước dịp lễ tháng 10.

“Việc tránh gây cú sốc thanh khoản là ưu tiên hàng đầu của PBoC và họ có các công cụ để làm điều đó”, các chuyên gia kinh tế Societe Generale SA viết trong báo cáo nghiên cứu. “Một cú sụp kiểu Lehman Brothers không phải lo ngại hàng đầu của chúng tôi, nhưng nguy cơ giảm tốc kinh tế nghiêm trọng kéo dài dường như là có khả năng xảy ra”.

Lo ngại về Evergrande diễn ra ngay lúc kinh tế Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Các biện pháp kiểm soát đi lại nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh đã gây tác động tới chi tiêu bán lẻ và du lịch, trong khi các biện pháp kiểm soát bất động sản cũng gây tác động tiêu cực. Trong ngày 17/09, Trung Quốc ghi nhận sự giảm tốc của doanh số bán lẻ trong tháng 8, cùng với sự suy yếu của sản lượng công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định.

“Đến nay, các thị trường đã đánh giá quá thấp mức độ giảm tốc của tăng trưởng trong nửa sau năm 2021”, Lu Ting, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Nomura Holdings ở Hồng Kông, cho hay. Các cơ quan chức trách vẫn tuân theo cách tiếp cận “hy sinh lợi ích trong ngắn hạn để tăng trưởng dài hạn” và có khả năng duy trì biện pháp kiểm soát bất động sản và hạn chế sản lượng của các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường, ông nói.

PBoC cũng đang cố gắng đạt điểm cân bằng giữa kích thích kinh tế và đảm bảo việc bơm tiền không dẫn tới bong bóng tài sản. Kể từ tháng 7/2021, PBoC không bơm tiền thông qua các cơ chế thanh khoản trung hạn.

Trong ngày 19/09, NHTW bơm 50 tỷ Nhân dân tệ thông qua cơ chế repo 7 ngày và thêm 50 tỷ Nhân dân tệ thông qua cơ chế repo 14 ngày – vốn chưa từng được sử dụng kể từ tháng 2/2021. Khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ đã đến hạn trong ngày 19/09.

“Sẽ là hợp lý khi nói rằng tình hình tại Evergrande và tác động của công ty này tới thị trường bất động sản sẽ gây ra tác động trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với các đợt đàn áp về quy định”, Alvin Tan, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại Royal Bank of Canada ở Hồng Kông. “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi PBoC ra sức kìm hãm tác động trên thị trường tiền tệ”.

Sự bất ổn xoay quanh Evergrande đang thôi thúc các cơ quan chức trách ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất trong trường hợp này. Áp lực phải đứng ra can thiệp ngày càng tăng khi dấu hiệu rủi ro tài chính lan truyền ngày một tăng.

Dù vậy, các nghiệp vụ của PBoC vẫn chưa kéo giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ. Lãi suất repo 7 ngày – một chỉ báo về lãi suất vay liên ngân hàng – tăng 12 điểm cơ bản lên 2.39%, cao nhất kể từ tháng 7.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm