Nhu cầu mạnh và thiếu nguồn cung tiếp tục đẩy giá hàng hóa tăng mạnh tại Mỹ và châu Âu

Tại Mỹ, việc gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 đã thúc đẩy sản lượng, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ

 doanh nghiệp ở cả hai bờ Đại Tây Dương ghi nhận nhu cầu bùng nổ, cùng với tình trạng thiếu hụt linh kiện và lao động trong tháng 11/2021. Đây là những yếu tố khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh.

Tại Mỹ, việc gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 đã thúc đẩy sản lượng, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Các doanh nghiệp ở châu Âu cũng ghi nhận sự cải thiện về sản xuất bất chấp đợt bùng phát Covid-19 – vốn là yếu tố châm ngòi cho nỗi lo sợ về khả năng tái áp đặt biện pháp kiểm soát.

Ở cả hai khu vực này, nhu cầu cao cộng với tình trạng thiếu hụt đã dẫn tới đà tăng mạnh của lạm phát, qua đó làm gia tăng chi phí kinh doanh và góp phần nâng giá bán của các doanh nghiệp, theo cuộc khảo sát của IHS Markit.

Tại Mỹ, giá hàng hóa tiếp tục tăng mạnh khi các doanh nghiệp tại Mỹ tiếp tục chuyển phần tăng chi phí cho người tiêu dùng. Ở châu Âu, giá hàng hóa tăng nhanh nhất trong gần 2 thập kỷ.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất ở Mỹ đã giảm xuống mức 56.5 trong tháng 11/2021, từ mức 57.6 trong tháng 10. Ở châu Âu, chỉ số PMI tăng lên mức 55.8, từ mức 54.2 trong tháng 10/2021, theo cuộc khảo sát của IHS Markit.

Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng, điều này có nghĩa sản lượng tiếp tục tăng ở mức lành mạnh tại Mỹ và châu Âu.

Các nhà máy trên khắp thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt mọi thứ kể từ cuối năm 2020. Đà tăng mạnh của nhu cầu hàng hóa như laptop và xe đạp gây bất ngờ cho nhiều doanh nghiệp ngay khi hoạt động vận tải và mạng lưới logistics rơi vào cảnh hỗn loạn.

Trong vài tuần gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn đã dịu đi khi các nhà máy châu Á tái mở cửa sau đợt phong tỏa vì dịch bệnh.

“Chúng tôi nhận thấy các tín hiệu đầu tiên về sự sẵn có ngày càng tăng đối với một số nguyên vật liệu thô. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng xu hướng đã đảo ngược tại thời điểm này”, phát ngôn viên của gã khổng lồ hóa chất BASF SE của Đức cho biết. “Hiện vẫn còn khó dự báo tình hình sẽ cải thiện đến đâu và điều này sẽ tác động thế nào tới giá hàng hóa”.

Việc đóng cửa các nhà máy, thiếu năng lượng và hạn chế công suất tại cảng biển đã thuyen giảm trong vài tuần gần đây.

Ở Mỹ, các nhà bán lẻ lớn cho biết đã nhập khẩu phần lớn hàng hóa cần thiết cho mùa nghỉ lễ. Giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt.

Số lượng tàu thuyền chờ dỡ hàng tại hai cảng Los Angeles và Long Beach – cửa ngõ lớn nhất của Mỹ đối với hàng từ châu Á – dù giảm nhưng vẫn ở mức gần kỷ lục. Theo Marine Exchange of Southern California, 71 tàu container đang neo đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, giảm so với mức cao nhất là 86 thuyền cách đó 3 ngày.

Các giám đốc công ty vận chuyển và bán lẻ dự báo tình trạng ùn tắc tàu sẽ biến mất vào đầu năm 2022, sau khi mùa mua sắm dịp lễ kết thúc và nhiều nhà máy đóng cửa trong một tuần vào Tết Nguyên đán, làm giảm sản lượng.

Chủ hãng vận tải Đức Held Bereederungs GmbH & Co., Jan Held cho biết tình trạng tắc nghẽn thuyên giảm, nhất là ở châu Á. Các con tàu của ông chủ yếu vận chuyển hàng hóa công nghiệp như cối xay gió khổng lồ chứ không phải container, nhưng đôi khi phải mất một tháng chờ đợi bên ngoài cảng biển châu Á.

Ông Held cho biết sẽ cần thêm một khoảng thời gian trước khi hệ thống vận tải toàn cầu trở lại bình thường. “Để mọi thứ bình thường hóa trở lại, đại dịch buộc phải chấm dứt. Nhưng theo đôi, điều này sẽ không sớm diễn ra”, ông Held cho biết.

Giá cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương cũng đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi hầu hết các công ty bán lẻ lớn của Mỹ đã nhập đủ hàng hóa cho mùa lễ.

Tình trạng tắc nghẽn ở Anh cũng đã giảm bớt. “Ổn định một cách không thoải mái là cụm từ mô tả tình hình hiện tại”, Tim Morris, Tổng Giám đốc của UK Major Ports Group, cho hay.

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp châu Âu, cước vận tải biển vẫn còn quá cao và thời gian chờ vẫn còn dài hơn nhiều so với trước dịch. Điều này có thể tiếp diễn trong nhiều tháng tới.

“Có quá nhiều điểm nghẽn… Không đủ container, không đủ tàu, các vấn đề về tàu lửa tại Đức”, Marie Müller-Blech, người làm việc tại công ty gia đình Christmas Decor GmbH ở Đức, cho hay.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm