Hàn Quốc là quốc gia gần đây nhất thông báo đầu tư mạnh tay vào ngành bán dẫn. Seoul ngày 13/5 cho biết họ sẽ chi 510.000 tỷ won (452 tỷ USD) cho chip cho đến năm 2030.
Những con chip silicon nhỏ bé có thể được coi là huyết mạch của nền kinh tế hiện đại ngày nay. Chúng giúp vận hành thế giới tích hợp internet. Không chỉ góp mặt trong những sản phẩm điện tử hàng đầu như iPhone và PlayStation, chip còn không thể thiếu trong hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia và trong những loại vũ khí phức tạp nhất.
Tuy nhiên gần đây, nguồn cung sản phẩm này lại không thể nào đáp ứng được nhu cầu đang bùng nổ mạnh mẽ của thị trường.
Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, được dự đoán kéo dài tới năm 2022 hoặc thậm chí 2023, vô cùng phức tạp, liên quan tới nhiều vấn đề khác nhau. Nhiều quốc gia đang lên kế hoạch “bơm” hàng tỷ USD vào ngành sản xuất chip bán dẫn trong vài năm tới để xây dựng thêm nhiều nhà máy, bên cạnh đó là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, coi đây là nỗ lực nhằm củng cố các chuỗi cung ứng, và tự chủ hơn trước diễn biến khó lường của thị trường như hiện tại.
Hàn Quốc trở thành quốc gia gần đây nhất công bố khoản đầu tư khổng lồ vào ngành công nghiệp chip bán dẫn. Chính phủ nước này thông báo hôm 13/5 rằng 452 tỷ USD sẽ được rót vào lĩnh vực cho tới năm 2030, phần lớn số tiền đến từ các tập đoàn tư nhân.
Abishur Prakash, nhà phân tích địa chính trị từ Center for Innovating the Future, công ty tư vấn trụ sở Canada chia sẻ rằng “đây là nỗ lực sống còn của Hàn Quốc nhằm xây dựng nên một tương lai an toàn và tự do”.
“Thông qua việc đạt được khả năng sản xuất quy mô lớn, Hàn Quốc sẽ có quyền tự chủ chiến lược phát triển thay vì buộc phải đi theo một hướng định sẵn nào đó”, theo Prakash. “Điều này cũng có nghĩa Hàn Quốc không còn phụ thuộc vào Trung Quốc hay Đài Loan nữa. Bằng việc đầu tư hàng trăm tỷ USD, họ sẽ không phụ thuộc vào bất cứ một bên nào khác về nhu cầu các công nghệ quan trọng”.
Chip tích hợp trên một bo mạch. Ảnh: Getty Images.
Trong bài phát biểu hôm 10/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có sự biến chuyển mạnh mẽ, ngành công nghiệp chất bán dẫn đang trở thành một nền tảng cơ sở hạ tầng quan trọng trong mọi ngành công nghiệp”.Thông qua “chiến lược chip bán dẫn K”, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ trợ giúp ngành này dưới nhiều hình thức khác nhau như giãn thuế, hỗ trợ vốn và cơ sở hạ tầng.
Ông cũng bổ sung rằng: “Bên cạnh việc giữ vững vị thế ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc trong nhóm đầu của thế giới, chúng tôi cũng sẽ bảo vệ các lợi ích của quốc gia thông qua tận dụng cơn sốt chip bán dẫn hiện tại làm cơ hội để tiến lên một tầm cao mới”.
Nhưng Hàn Quốc không phải là bên đi đầu trên mọi chiến tuyến. “Xét trên công suất sản xuất, Đài Loan đang dẫn đầu trong khi Hàn Quốc chỉ đứng thứ 2. Vị trí thứ 3 thuộc về Mỹ và Trung Quốc cũng đang có những bước phát triển vượt bậc”, theo Glenn O’Donnell, phó chủ tịch kiếm giám đốc khối nghiên cứu tại công ty phân tích thị trường Forrester.
Hàn Quốc hiện tại dẫn đầu ở mảng chip nhớ, với 65% thị phần, nhờ vào sự lớn mạnh của Samsung, ông cho biết. Châu Á đang là thủ phủ sản xuất chip của thế giới, với 79% sản lượng chip toàn cầu năm 2019 được sản xuất tại khu vực này.
O’Donell cho biết việc khoản đầu tư khổng lồ của Hàn Quốc có thế giúp Hàn Quốc đạt mục tiêu đề ra hay không là điều khó có thể nói trước. “Đó là một khoản đầu tư vô cùng lớn, nhưng Mỹ, và TSMC của Đài Loan và Trung Quốc cũng đang chạy đua đầu tư vào lĩnh vực này”.
Tiềm lực tài chính
Khoản đầu tư của Hàn Quốc phần lớn được đóng góp bởi hai công ty sản xuất chip lớn nhất của quốc gia này là Samsung Electronics và SK Hynix.
Samsung Electronics lên kế hoạch đầu tư hơn 151 tỷ USD vào phân khúc chip nhớ cho tới năm 2030, cao hơn nhiều so với thông báo trước đó là 117 tỷ USD vào năm 2019.
SK Hynix cũng định chi tới hơn 200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Người phát ngôn của SK Hynix nói công ty sẽ chi hơn 100 tỷ USD để đầu tư vào các nhà máy sản xuất hiện tại của công ty tại Icheon và Cheongju cho đến năm 2030. Công ty dành khoảng 100 tỷ USD còn lại để xây dựng thêm 4 nhà máy mới tại Yongin – kế hoạch riêng biệt nhằm tăng gấp đôi sản lượng chip của công ty.
Prakas cho biết thế giới tỏ ra bất ngờ trước khả năng tài chính của các doanh nghiệp Hàn Quốc. “Với gần 500 tỷ USD và sự tham gia của 150 công ty, Hàn Quốc thực sự là đang băng băng trên con đường trở thành bá chủ thế giới trong tương lai”.
Không hề đơn thương độc mã
Thông báo của Hàn Quốc đến sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đệ trình bản kế hoạch trị giá 50 tỷ USD đối với ngành công nghiệp sản xuất và nghiên cứu chip. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết “chi đậm” cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, với trọng tâm là ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Liên minh châu Âu (EU) tháng 3 cũng bày tỏ tham vọng có tới 20% sản lượng chip toàn cầu được sản xuất tại châu lục này vào năm 2030, tăng 10% so với năm 2010.
“Trên mặt trận tranh giành vị thế thống trị trong lĩnh vực công nghệ, tất cả các bên đều chạy đua để đạt được vị trí là nhà cung cấp chính của thế giới”, theo O’Donnell. “Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, EU và Trung Quốc đều muốn giành huy chương vàng trong kỳ thế vận hội công nghệ toàn cầu”.
O’Donnell nhấn mạnh rằng sẽ mất khoảng 2 năm để các nhà máy mới có thể được xây dựng. “Mỗi nhà máy sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD, nhưng dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu cũng không thể sớm được giải quyết hoặc vị trí dẫn đầu cho một quốc gia nào đó có thể được hoàn toàn đảm bảo”.
Ông bổ sung thêm rằng: “Những căng thẳng địa chính trị cũng đóng một vài trò quan trọng trong cuộc chiến này. Hàn Quốc luôn sống dưới mối đe dọa rằng Triều Tiên sẽ ‘phá hủy’ vị thế của quốc gia này khi mối quan hệ song phương trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đài Loan, cũng đang phải đối mặt với rủi ro tương tự tới từ Trung Quốc”.
Không chỉ ở Hàn Quốc, các công ty sản xuất chip tại nhiều quốc gia khác cũng đã công bố những khoản đầu tư không hề nhỏ.
TSMC dự định chi tới 100 tỷ USD trong vòng 3 năm nhằm mục tiêu nâng cao công suất sản xuất. Intel cũng lên kế hoạch xây thêm 2 nhà máy mới tại bang Arizona với chi phí lên tới 20 tỷ USD. Cả hai công ty đều trong giao đoạn thảo luận để có thể xây dựng nhà máy tại châu Âu.
SMIC, nhà sản xuất chip của Trung Quốc, hôm 14/5 thông báo công ty đang tích cực làm việc để có thể gia tăng công suất sản xuất thông qua việc thực hiện sớm một số kế hoạch. Haijun Zhao, CEO của công ty, cho biết nhu cầu chip bán dẫn trong mọi phân khúc khách hàng sẽ tiếp tục vượt quá nguồn cung.
Doanh thu của SMIC tăng 22% trong quý đầu tiên năm 2021, đạt 1,1 tỷ USD. Dự báo, doanh số 6 tháng đầu năm nay của công ty nay sẽ tăng cao hơn so với ước tính trước đó.