Tập đoàn quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc sắp được giải cứu

Đợt bơm vốn này còn phải chờ sự chấp thuận từ các cổ đông và cơ quan điều hành.

a Huarong Asset Management dự định huy động tới 42 tỷ Nhân dân tệ (6.6 tỷ USD) bằng cách bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư Nhà nước và tiết lộ kế hoạch bán thêm tài sản trong thời gian tới.

Công ty có trụ sở ở Bắc Kinh này sẽ không bán nhiều hơn 41.2 tỷ cổ phiếu cho nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Citic Group ở giá 1.02 Nhân dân tệ/cp, cao hơn 23% so với mức giá đóng cửa trước khi bị tạm ngừng giao dịch, theo hồ sơ gửi lên sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào cuối ngày 17/11. Sau khi giao dịch hoàn tất, Citic sẽ nắm 23.46% cổ phần tại Huarong, trong khi sở hữu của Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ giảm từ 57% xuống 28%.

Đợt bơm vốn này còn phải chờ sự chấp thuận từ các cổ đông và cơ quan điều hành. Thông tin về việc giải cứu Huarong này lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 8/2021 và nhằm chấm dứt mọi lời đồn đoán về tình hình thảm khốc của Huarong. Đây được xem là bài kiểm tra lớn nhất trong nhiều thập kỷ về sự sẵn lòng của Trung Quốc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước. Dù vậy, giá trị cổ phiếu bán ra được dự báo sẽ thấp hơn mức 50 tỷ Nhân dân tệ đã bàn luận trong mùa hè.

Rắc rối của Huarong xuất hiện vào cuối tháng 3/2021 khi Công ty trì hoãn công bố báo cáo thường niên, qua đó gây rung chuyển các thị trường châu Á giữa lúc giới đầu tư lo ngại liệu họ có thể trả khoản nợ 242 tỷ USD hay không. Gã khổng lồ tài chính hồi tháng 8/2021 tiết lộ khoản lỗ kỷ lục 15.9 tỷ USD trong năm 2020, nhưng đồng thời cũng hé lộ bản phác thảo về gói giải cứu từ Chính phủ.

Trái phiếu Huarong đã lấy lại phần lớn những gì đã mất kể từ cuối tháng 8/2021. Trái phiếu lãi suất 5.5% đến hạn vào năm 2025 giờ đã vượt lên trên mệnh giá trong ngày 17/11, cao hơn nhiều so với mức thấp kỷ lục 62.3 xu đổi 1 USD trong tháng 4/2021.

Huarong cho tới nay đã thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn. Công ty cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ nợ trong và ngoài nước, nhưng khả năng trả nợ trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào lượng tiền mặt huy động từ việc bán tài sản, dựa trên nguồn tin thân cận.

Huarong cũng cho biết trong ngày 17/11 rằng họ dự định bán 40.53% cổ phần tại Huarong Xiangjiang Bank và 79.92% cổ phần tại Huarong Financial Leasing. Tháng trước, Tập đoàn quản lý nợ xấu này đã được cổ đông chấp thuận để bán cổ phần tại công ty chứng khoán của Huarong. Tháng này, họ cũng được cơ quan điều hành “bật đèn xanh” cho việc bán 70 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu qua thị trường liên ngân hàng.

Bên cạnh Citic, China Insurance Investment, China Cinda Asset Management Co., China Life Asset Management Co. và ICBC Investment sẽ tham gia vào đợt bán cổ phần này, dựa trên nguồn tin thân cận. Sino-Ocean Capital Holding từng được liệt kê là nhà đầu tư chiến lược tiềm năng trong tháng 8/2021, nhưng giờ không còn tham gia vào đợt chào bán này. Cổ phiếu Huarong sẽ vẫn bị tạm ngưng giao dịch.

Cùng với China Cinda, China Great Wall Asset Management và China Orient Asset Management, Huarong đã được tạo ra để mua nợ xấu từ ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính trong thập niên 90.

Các công ty mua nợ xấu sau đó mở rộng vượt khỏi lĩnh vực ban đầu, tạo ra một mê cung các công ty con để tham gia vào các doanh nghiệp tài chính khác và vay hàng tỷ USD từ thị trường trái phiếu. Huarong là công ty quyết liệt nhất trong bốn tập đoàn quản lý nợ xấu dưới thời cựu Chủ tịch Lai Xiaomin.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm