Dầu tăng 2%
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần giảm khoảng 7% do hoạt động bán tháo mạnh mẽ khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới lại gia tăng trên khắp Châu Âu gây nghi ngờ về triển vọng hồi phục nhu cầu nhiên liệu trong thời gian tới.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 1,25 USD/thùng (2%) lên 64,53 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,42 USD (2,4%) lên 61,42 USD/thùng.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá dầu vẫn mất khoảng 7%, do những phiên bán tháo mạnh mẽ trước đó.
Phiên liền trước (thứ Năm ngày 18/3), giá dầu thô đã giảm 7% khi các nền kinh tế lớn của Châu Âu đồng loạt tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, giữa bối cảnh tiến trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 ở khu vực bị chậm lại do các vấn đề liên quan đến phân phối vắc-xin.
Goldman Sachs cho biết những sóng gió của thị trường dầu – liên quan đến nhu cầu của Liên minh châu Âu và nguồn cung Iran – sẽ làm chậm lại quá trình tái cân bằng thị trường trong quý II, mặc dù họ hy vọng hành động của OPEC+ sẽ bù đắp được điều đó.
Vàng tăng
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua, là tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD đều giảm.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.742,14 USD/ounce; tính chung cả tuần giá tăng 0,9%. Tương tự, giá vàng kỳ hạn tháng 4/2021 cũng tăng 0,5% lên 1.741,70 USD/ounce.
Nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets cho biết: “Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm một chút và đồng USD cũng rời khỏi mức cao. Chúng ta có thể thấy vàng sẽ tốt hơn một chút nếu tình hình tỷ giá bắt đầu ổn định”.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm sau khi đạt mức cao nhất hơn 1 năm ở phiên 18/3. Đồng USD cũng giảm khỏi mức cao nhất trong 1 tuần.
David Meger, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết: “Kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế và lãi suất được duy trì lâu dài ở mức tương đối thấp sẽ dẫn tới lạm phát”.
Đồng tăng do nhu cầu cao và nguồn cung hạn hẹp
Dự báo nhu cầu tăng và nguồn cung bị thắt chặt đã đẩy giá đồng tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, mặc dù các nhà đầu tư thận trọng do vấn đề căng thẳng giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc, cũng như do sự gia tăng nhanh chóng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng (hợp đồng tham chiếu) tăng 0,2% lên 9.069 USD/tấn; tính chung cả tuần gần như không thay đổi so với tuần trước.
Kim loại được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực điện và xây dựng này đã mất đà kể từ khi đạt 9.617 USD vào tháng trước – mức cao nhất kể từ năm 2011.Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết đà phục hồi có thể sẽ tiếp tục nhưng không phải ngay lập tức.
Sắt và than giảm
Giá quặng sắt và than cốc – 2 nguyên liệu chính trong sản xuất thép – giảm trong phiên 19/3 do giới kinh doanh lo ngại về triển vọng thành phố Đường Sơn – thủ phủ sản xuất thép Trung Quốc – sẽ cắt giảm sản lượng thép lâu dài. Đường Sơn chiếm gần 14% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc.javascript:void(0)
Kết thúc phiên cuối tuần, giá quặng sắt giao tháng 5 trên sàn Đại Liên giảm 3,5% xuống 1.042 CNY (160,16 USD)/tấn, tính chung cả tuần giảm 2,8%.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên phiên này cũng giảm 4,4% xuống 2.231 CNY/tấn, khiến cho mức tăng cả tuần này giảm chỉ còn 0,8%.
Ngô và đậu tương tăng
Giá ngô và đậu tương Mỹ đều hồi phục trong phiên cuối tuần do hoạt động mua mang tính kỹ thuật và mua tranh thủ kiếm giá hời sau phiên giá giảm mạnh trước đó.
Thị trường ngô đã nhận được thông tin tích cực khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận đã bán thêm 800.000 tấn ngô cho khách hàng Trung Quốc trong ngày 19/3, đưa tổng khối lượng ngô Mỹ xuất khẩu trong tuần này lên 3,9 triệu tấn.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5 đã tăng 11-1/4 US cent lên 5,57-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 3,5%, là tuần tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần. Đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng tăng 24 US cent lên 14,16-1/4 USD/bushel trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng tăng tuần thứ 5 trong vòng 6 tuần gần đây.
Đường thấp nhất 1,5 tháng
Giá đường thô trên sàn New York giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 do tâm lý lo ngại về những rủi ro trên thị trường tài chính gia tăng và lo ngại dịch Covid-19 không được kiểm soát.
Kết thúc phiên vừa qua, giá đường giao tháng 5 giảm 0,13 US cent (0,8%) xuống 15,76 US cent/lb; trong phiên có lúc xuống chỉ 15,55 US cent, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2021. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 2,6 USD (0,6%) xuống 453,4 USD/tấn.
Các đại lý cho biết việc Châu Âu gia tăng số ca nhiễm Covid-19 khiến các quỹ hàng hóa tạm dừng giao dịch để cân nhắc, và có thể họ sẽ đánh giá lại triển vọng hàng hóa trong ngắn hạn.
Ngân hàng Rabobank dự báo giá đường sắp tới sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ, và giá sẽ duy trì trong khoảng 15 – 15,5 USD/lb trong cả năm 2021.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica phiên cuối tuần giảm 0,95 US cent (0,7%) xuống 1,29 USD/lb, phiên liền trước đã giảm 2,7%. Cà phê robusta cũng giảm 0,5% xuống 1.379 USD/tấn.
Cơ quan Khuyến nông Brazail, Emater-MG, cho hay sản lượng arabia của bang Brazil Minas Gerais năm 2021 sẽ giảm 10 triệu bao xuống 17,9 triệu bao. Con số này thấp hơn so với con số mà Chính phủ Brazil đưa ra.
Cao su giảm
Giá cao su giảm trong phiên cuối tuần do lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở khắp Châu Âu.
Kết thúc phiên cuối tuần, cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka giảm 10,2 JPY (3,8%) xuống 261 JPY/kg, tính chung cả tuần giảm 5,4%; cao su trên sàn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 5) cũng giảm 5,8% xuống 14.365 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 20/3