ác công ty trong chuỗi cung ứng xe điện ở Trung Quốc đang tìm mọi cách để thâu tóm các nguồn cung lithium, thành phần chính của pin xe điện trong bối cảnh nhu cầu xe năng lượng mới ở nước này đang tăng bùng nổ.
Lãnh đạo các hãng xe điện ở Trung Quốc phải xoay sở giải quyết nhiều vấn đề trong năm nay không chỉ vì thị trường xe điện lớn nhất thế trở nên đông đúc hơn với nhiều mẫu xe mới ra mắt, mà còn vì doanh số bán hàng của họ cũng đang bùng nổ với số lượng xe điện giao cho khách dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên khoảng 3 triệu chiếc.
Điều này đã dẫn đến giá vật liệu thô để sản xuất pin điện tăng vọt, gây áp lực cho các nhà sản xuất pin và châm ngòi cho cuộc cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu để thâu tóm nguồn cung lithium.
Giá lithium carbonate đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ tháng 1-2021, tăng thêm khoảng 470 đô la chi phí sản xuất pin cho một chiếc xe điện. Nguồn cung thắt chặt cũng phản ánh vào giá của các vật liệu lithium khác. Các công ty cung cấp lithium ở Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Cổ phiếu của Công ty Tibet Summit Resources đã tăng 250% trong năm nay và cổ phiếu của Công ty Tianqi Lithium cũng tăng 205%.
Dù trữ lượng lithium của Trung Quốc lớn thứ tư trên thế giới, kim loại màu bạc này chủ yếu được tìm thấy trong các hồ muối xung quanh Tây Tạng và Thanh Hải, một tỉnh dân cư thưa thớt của Trung Quốc nằm trên cao nguyên Tây Tạng. Vị trí địa lý xa xôi và hiểm trở của các hồ muối này gây khó khăn cho việc tinh chế và vận chuyển vật liệu lithium.
Theo Dong Yang, Phó Chủ tịch China EV 100, tổ chức nghiên cứu xe điện hàng đầu Trung Quốc, dù sản lượng lithium carbonate từ hồ Thanh Hải đã tăng gấp đôi trong năm nay, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, Trung Quốc đã phải nhập khẩu đến 70% nhu cầu lithium từ nước ngoài.
Với triển vọng nhu cầu lithium mạnh mẽ hơn nữa khi cuộc cách mạng xe điện tăng tốc, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực để đảm bảo nguồn cung cho lĩnh vực tinh chế lithium mà họ đang thống trị.
Ganfeng Lithium, một nhà sản xuất lithium lớn thứ ba của Trung Quốc, đã đấu giá mua cổ phần của Công ty Millennial Lithium của Canada hồi tháng 7. Vài tháng sau đó, hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, CATL của tỉ phú Zeng Yuqun, đưa ra mức giá chào mua gần 300 triệu đô la, cao hơn so với giá chào mua của Ganfeng Lithium. Tuy nhiên rốt cục, Công ty Lithium Americas, có trụ sở ở Vancouver, Canada, mới là người chiến thắng khi đồng ý mua Millennial Lithium với giá 400 triệu đô la.
Không nản lòng, hồi tháng 9, Ganfeng Lithium đã mua lại cổ phần của đối tác International Lithium ở mỏ Mariana tại Argentina, một trong những mỏ có trữ lượng quặng lithium lớn nhất thế giới. Tháng trước, Công ty khai khoáng Zijin Mining, có trụ sở ở tỉnh Phúc Kiến, cũng đã trả khoảng 755 triệu đô la tiền mặt cho Neo Lithium, một tập đoàn khai thác lithium khác của Canada cũng đang hoạt động tại Argentina.
Các hãng xe điện của Trung Quốc cũng nhập cuộc. Hồi đầu tháng này, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, BYD đã ký một thỏa thuận mua 56.050 tấn lithium hexafluorophosphate của nhà cung cấp Do-Fluoride New Materials (Trung Quốc) trong 4 năm tới.
Lyu Xiangyang, người em họ của nhà sáng lập BYD, Wang Chuanfu, cũng đầu tư vào các mỏ spodumene, một loại khoáng sản thô chứa lithium, ở tỉnh Tứ Xuyên, hứa hẹn thúc đẩy nguồn cung lithium trong tương lai cho BYD.
Vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn , vẫn đang đeo bám ngành công nghiệp ô tô , là một lời nhắc nhở cho lãnh đạo các công ty xe điện ở Trung Quốc về những gì có thể xảy ra nếu họ thiếu nguồn cung lithium. Cuộc cạnh tranh thâu tóm kim loại sản xuất pin không thể thiếu này sẽ chỉ trở nên khốc liệt hơn và chắc chắn các công ty Trung Quốc luôn muốn có mặt trong bất kỳ cuộc đấu giá nào để mua các trữ lượng lithium trên thế giới.