Đối mặt với chủng mới Omicron: mong manh ranh giới nỗi sợ và hy vọng

Đối mặt với chủng mới Omicron: mong manh ranh giới nỗi sợ và hy vọng Sau nỗi sợ của tuần lễ trước đó, một niềm hy vọng mong manh hình thành

hủng mới, nỗi sợ và hy vọng

Vào khoảng hai tuần trước, khi chủng virus mới Omicron được phát hiện ở Nam Phi, lần đầu tiên tôi thấy nước Anh phản ứng nhanh đến như vậy từ khi bắt đầu dịch Covid-19. Nước này ngăn các chuyến bay đến từ Nam Phi ngay trong ngày 25-11 (tin về chủng mới bắt đầu được truyền thông đưa tin từ ngày 24-11).

Mức độ phản ứng khẩn cấp của những quốc gia châu Âu và rồi Mỹ, cũng như một số nước châu Á chỉ trong 12 tiếng sau đó cho thấy chủng virus mới đáng ngại. Hầu hết các thị trường tài chính tôi quan sát đều bắt đầu ngày 26-11 với một mức điểm giảm mạnh có quy mô tương tự những ngày giảm điểm mạnh trong tháng 2 và tháng 6-2020. Một vài người bạn làm quỹ đầu tư của tôi cũng không còn tự tin là “Covid sẽ chấm dứt vào năm 2022” như trong nhận định cách đó vài tuần. Tôi cũng tự hỏi, nếu chủng virus này kháng vaccine rồi chúng ta sẽ ra sao?

Chỉ khoảng năm ngày sau đó, những thông tin từ CEO của Moderna (NASDAQ:MRNA) lại một phen làm thị trường sợ hãi. Ngay trước khi thị trường châu Âu mở cửa ngày 30-11, ông này trả lời phỏng vấn tờ Financial Times và “dự đoán” rằng các vaccine hiện có sẽ kém hiệu quả hơn với chủng Omicron. Một bạn tôi làm phân tích tài chính ở London đã hài hước nhắn tin “giờ các CEO công ty dược cũng tham gia vào trò chơi dự đoán xổ số về số phận các vaccine”. Tôi bật cười nhưng cũng kịp nhận thông điệp của bạn: thị trường tài chính bắt đầu đi vào giai đoạn ngồi đoán tác động của chủng virus mới (guessing game).

Sau một ngày giảm điểm mạnh nữa, thị trường Âu-Mỹ cuối cùng cũng bình tĩnh lại vào tuần lễ giao dịch thứ 2 của tháng 12. Những thông tin mới cho thấy tình hình số ca nhiễm tăng nhưng số nhập viện không biến động lớn ở châu Âu. Số liệu ở Nam Phi cho thấy ngày 4-12 ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm mới, tăng gấp bốn lần so với ngày 30-11 (4.373 ca). Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp và ổn định, với 25 trường hợp ngày 3-12 và 21 trường hợp ngày 4-12. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng rất nhẹ, và đủ điều kiện tự chữa tại nhà. Điều này cho thấy dường như chủng Omicron tuy có thể lây lan mạnh nhưng lại không có tác động quá lớn đến rủi ro nhập viện và sức khỏe.

Chống dịch và phát triển kinh tế không phải là những lựa chọn loại trừ lẫn nhau ở Việt Nam, đó là thông điệp mà Chính phủ phải thể hiện cho nhà đầu tư thấy bằng hành động.

Thị trường Âu-Mỹ trong ngày 6-12 tăng điểm mạnh, một số cổ phiếu như du thuyền, khách sạn, máy bay tăng mạnh, giá dầu cũng bật tăng lại. Hy vọng mong manh quay lại thị trường: chủng virus mới không quá đáng sợ! Một vài báo cáo phân tích tôi nhận được tỏ ra lạc quan một cách thận trọng “Nỗi sợ Omicron đã giảm nhiều (ít nhất là tạm thời)”, trong khi một số khác, ví dụ như JP Morgan (NYSE:JPM_pj) thì mạnh dạn hơn, cho rằng chủng Omicron đẩy nhanh sự kết thúc của dịch Covid-19.

Sau nỗi sợ của tuần lễ trước đó, một niềm hy vọng mong manh hình thành.

Chúng ta vẫn đang ở lằn ranh mong manh

Cho đến lúc này, không ai có thể biết rõ được chủng Omicron này sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế, ít nhất là trong ngắn hạn.

Về mặt sức khỏe cộng đồng, có ba câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Một, chủng Omicron này có mức độ lây lan như thế nào? Hai, nó có lẩn tránh được phản ứng của kháng thể, tế bào T và tác động của vaccine hay không? Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, nó có khiến người nhiễm bị trở nặng và phải nhập viện hay tử vong nhiều hơn hay không?

Các số liệu ban đầu không giúp khẳng định được điều gì. Trong khi Nam Phi cho thấy một số lớn ca nhiễm là chưa tiêm vaccine, thì nước Anh lại thông báo rằng một nửa số ca mắc Omicron ở Anh đã tiêm hai mũi vaccine. Nghe có vẻ ghê gớm, nhưng với khoảng 70% dân Anh đã tiêm hai mũi vaccine và 30% người đã tiêm ba mũi thì đây chưa phải là con số quá ghê gớm (hiểu nôm na là khi đại bộ phận dân chúng đã tiêm hai mũi vaccine thì không khó hiểu khi mà một bộ phận đáng kể người bị nhiễm chủng mới là người đã tiêm đủ hai mũi). Và điều đáng lạc quan là Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid cho biết chưa có ai trong số những người được xác định nhiễm chủng Omicron ở Anh cần phải nhập viện.

Tuy đây là những thông tin tích cực, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh cũng thừa nhận rằng có thể chủng mới đã lây vào cộng đồng, vì ở nhiều vùng ở Anh đang tìm thấy các ca bệnh mới không liên quan đến các hoạt động di chuyển quốc tế. Điều này có nghĩa là nhiều khả năng số ca bệnh được xác định sẽ còn tăng, và chưa biết số nhập viện có tăng theo hay không. Chưa thể quá lạc quan với những thông tin tốt về triệu chứng nhẹ của chủng Omicron lúc này.

Quan trọng hơn, bất chấp những thông tin về mức độ tác động đến sức khỏe có thể ở mức nhẹ của Omicron, nhiều hoạt động giới hạn di chuyển quốc tế đã được áp dụng. Ngoài ra, một số biện pháp giãn cách xã hội có thể sẽ được áp dụng trở lại. Ở Anh sau khi quy định mang khẩu trang được áp dụng trở lại, người ta lo ngại một số yêu cầu giãn cách xã hội sẽ được áp dụng lại với những hoạt động xã hội và kinh doanh tụ tập đông người.

Điều này đặt ra thách thức mới cho các doanh nghiệp tại Anh mới khôi phục lại ít nhiều sau dịch và đang đối mặt với sức ép lạm phát và thiếu lao động. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã yêu cầu chính phủ tìm ra cách đẩy “sống chung với Covid” hiệu quả thay vì cứ mỗi khi có chủng mới lại “đóng rồi mở nền kinh tế”.

Lằn ranh mong manh “đóng, mở” nền kinh tế vẫn còn đó, nhất là trong mùa đông ở châu Âu và Mỹ, thời điểm mà dù không có chủng Covid thì số nhập viện cũng đã cao kỷ lục và thường xuyên thử thách sức chịu đựng của hệ thống y tế.

Việt Nam cần vượt qua nỗi sợ

Với nhà đầu tư quốc tế, nhiều người đang lo ngại chủng virus mới sẽ ảnh hưởng đặc biệt xấu đến khu vực ASEAN vì đây là khu vực bị ảnh hưởng thuộc loại nặng nhất từ chủng Delta do tỷ lệ phủ vaccine không cao và mức độ đóng cửa nền kinh tế để phòng dịch ở nhiều quốc gia. Hoạt động du lịch ở Indonesia và Thái Lan chỉ mới khởi động lại thì chủng mới xuất hiện. Hàng không, du lịch của khu vực này sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trong số các thị trường mới nổi, thì các thị trường ASEAN giảm điểm mạnh hơn so với Mỹ Latinh và Đông Âu từ khi chủng Omicron được phát hiện, mặc dù Đông Âu đang đánh vật với mức tăng số ca Covid kỷ lục. Theo đánh giá của Alexander Wolf, nhà phân tích chiến lược châu Á chính của JP Morgan, cách tiếp cận “dừng rồi mở” (stop-start) của nhiều nước trong khu vực này có thể làm triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu đi.

Tỷ lệ tiêm vaccine thấp của khu vực này, chẳng hạn Philippines chỉ mới có 28% và Indonesia có 37% người tiêm đủ hai mũi, cũng là nguyên nhân gây lo ngại với vấn đề mở cửa. Việt Nam tuy tiêm vaccine tốt hơn các nước này, tỷ lệ bao phủ cũng chỉ là 56% người đã tiêm đủ hai mũi. Ở Việt Nam, tại một số địa phương, người già và người có bệnh nền – những đối tượng dễ bị rủi ro cao với virus dù chủng mới hay cũ – chưa được tiêm đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống y tế yếu hơn phương Tây cũng được viện dẫn như rủi ro chính khi dịch lây vào cộng đồng.

Do các nước ASEAN thường có hoạt động giao thương, di chuyển qua lại, những nước tiêm chủng thấp sẽ gặp trở ngại khi di chuyển đến nước tiêm chủng cao, và trì hoãn tiến trình khôi phục kinh tế. Nhà đầu tư quốc tế vì vậy có những lo ngại trong ngắn hạn là dễ hiểu.

Những lo ngại này cũng chỉ ra Việt Nam cần có những động thái để giới đầu tư quốc tế lẫn trong nước thấy, Việt Nam sẽ hướng tới sống chung với virus như chỉ đạo của Chính phủ chứ không áp dụng cách tiếp cận “tắt, mở” đối với nền kinh tế. Chống dịch và phát triển kinh tế không phải là những lựa chọn loại trừ lẫn nhau ở Việt Nam, đó là thông điệp mà Chính phủ phải thể hiện cho nhà đầu tư thấy bằng hành động. Trước hết, những nỗi sợ dẫn đến chuyện “ở đây không bán cho người Sài Gòn” phải bị dẹp bỏ hoàn toàn.

Vượt qua nỗi sợ thì mới có thể sống chung với virus được.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyên mục

Tìm kiếm